
Chang Guann chuyên cung cấp dầu ăn cho hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng ở 22 thành phố và quận huyện của Đài Loan.
Lãnh đạo cơ quan hành chính Đài Loan, Giang Nghi Hoa cho biết chính quyền lãnh thổ này đã ra lệnh cho các doanh nghiệp trên phải ngưng bán và thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình ở thị trường Đài Loan đến trước ngày 8-9. Ông Giang khẳng định loại “dầu bẩn” này hoàn toàn không phù hợp cho người tiêu dùng.
Thời báo Đài Bắc dẫn lời người phát ngôn của chính quyền Đài Loan, Tôn Lập Nhân cho biết từ hôm qua ông Giang đã triệu tập cuộc họp khẩn các ban ngành liên quan như tư pháp, y tế, kinh tế, nông nghiệp và môi trường nhằm tìm cách khắc phục nhanh nhất hậu quả của vụ bê bối này, kể cả đánh giá xem sản phẩm của các doanh nghiệp này có xuất khẩu ra nước ngoài hay chưa. Chính quyền Đài Loan cũng đã ra lệnh cho các cơ quan liên quan điều tra vụ việc và đánh giá hình phạt thích đáng đối với những doanh nghiệp dính líu trong vụ bê bối này.
Công ty Chang Guann có trụ sở ở thành phố Cao Hùng bị nghi ngờ đã dùng lượng dầu bẩn này để chế biến ra 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác, trong có một số căn tin của quân đội. Cảnh sát cho biết công ty Chang Guann đã mua dầu từ nhà máy trên với giá rẻ hơn thị trường rất nhiều.
Các thùng phuy được dùng để chứa dầu bẩn trước khi chế biến thành dầu ăn - Ảnh: EPA
Vụ bê bối được phanh phui khi cảnh sát kiểm tra một nhà máy sản xuất dầu ăn không phép ở huyện Bình Đông, thành phố Cao Hùng hôm 1-9. Nhà máy này có hơn 10 cơ sở sản xuất nằm ở huyện trên và trong cả thành phố Cao Hùng.
Tập đoàn sản xuât thực phẩm khổng lồ của Đài Loan Wei Chuan (Vị Toàn) thừa nhận đã sử dụng “dầu bẩn” mua từ công ty Chang Guaan từ tháng 4-2013 để sản xuất 12 sản phẩm thịt chà bông và pa tê bán ra thị trường.
Chủ tịch của Chang Guann- Diệp Văn Tâm đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng Đài Loan. Công ty này cũng công bố thông tin họ mua tổng cộng 243 tấn dầu bẩn của nhà máy trên từ ngày 25-2-2014 và đã sử dụng 216 tấn để sản xuất 780 tấn dầu ăn bán ra thị trường.
Báo South China Morning Post dẫn lời bà Sophia Chan Siu-chee, lãnh đạo cơ quan an toàn thực phẩm Hồng Kong cho biết đặc khu này đang theo dõi chặt chẽ vụ bê bối trên và đang kiểm tra các sản phẩm có liên quan trong vụ dầu bẩn này có bán ở Hồng Kong hay không.