Mệt mỏi với vợ lắm mồm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về đến nhà là cô ấy nói như một cái máy, từ việc con ăn uống ra sao đến chuyện cơm nước giá cả, thậm chí kể cả chuyện chồng lười tắm cô ấy cũng kêu ca.
Mệt mỏi với vợ lắm mồm
Ảnh minh họa

Tôi thật sự mệt mỏi với vợ, không hiểu sao cô ta có thể nói cả ngày được. Trước đây cô ấy đi làm ở một trường mầm non, sau này sinh hai đứa con gần nhau quá nên nghỉ dài hạn để trông con. Một mình tôi làm trụ cột cáng đáng cả gia đình, phải làm thêm cả buổi tối nữa, thậm chí có hôm cuối tuần tôi vẫn phải lên cơ quan. Vậy nhưng những khoảng thời gian ít ỏi còn lại thì chẳng mấy khi tôi được yên vì tiếng khóc của con và tiếng la hét kể lể của vợ.

Tôi quá mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi thì luôn bị cô ấy làm phiền. Không trả lời cũng không được, có lúc tôi cáu lên đóng cửa phòng lại thì cô ấy gào ầm lên. Nhà tôi lúc nào cũng như cái chợ vỡ. Tôi phải làm sao? (Long Nguyễn)

Tôi phần nào hiểu được anh đang rất khó chịu và bức xúc vì hằng ngày phải nghe những lời kêu ca than phiền của vợ sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tôi cũng biết rằng anh đang lo lắng và mong muốn không khí gia đình được thoải mái hơn, đồng thời muốn cả hai cùng thoát khỏi những căng thẳng hằng ngày.

Như anh nói, cô ấy phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con vì hai đứa nhỏ sinh gần nhau. Một mình phải ở nhà chăm hai con, từ chuyện cho ăn uống, tắm giặt rồi dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... có lẽ anh cũng hình dung được khối lượng công việc của cô ấy phải làm trong ngày thật vất vả và mệt mỏi như thế nào. Vì anh cũng quá bận rộn với công việc trên công sở nên chắc ít khi tham gia hỗ trợ vợ trong gia đình nên chưa cảm nhận được những khó khăn của cô ấy khi phải đảm nhận từng ấy việc mỗi ngày. Những áp lực hằng ngày mà cô ấy phải trải qua cũng phần nào lý giải cho những phàn nàn kêu ca của vợ trong trường hợp này.

Hiện nay, rất nhiều nơi và ở rất nhiều gia đình, phụ nữ và trẻ em gái thường bị gắn liền với việc nhà, nấu nướng và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Đó là những công việc không được trả lương và không được xã hội đánh giá cao, coi đó như một nhiệm vụ mà phái nữ buộc phải đảm nhiệm. Thậm chí có nhiều người còn coi đó là những việc nhỏ, là trách nhiệm đương nhiên trong gia đình và không thể so sánh với các công việc mà nam giới đang làm ở bên ngoài.

Những quan niệm như thế này đang tạo ra rất nhiều áp lực cho phụ nữ và trẻ em gái, làm giảm đi cơ hội đóng góp của họ cho xã hội và tạo thêm áp lực cho chính họ. Trong khi đó nam giới lại phải gánh trách nhiệm là trụ cột gia đình khiến cho gánh nặng của cả hai bên đều bị quá tải. Với vợ anh, khi gặp những áp lực trong gia đình và không được sẻ chia, cô ấy sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Than vãn hay phàn nàn kêu ca là cách cô ấy sử dụng để giảm những mệt mỏi.

Tôi hiểu anh đang phải gánh trọng trách lớn là kiếm tiền nuôi cả gia đình. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đó là áp lực rất lớn và chứng tỏ anh là người rất có trách nhiệm. Nhưng nếu vì thế mà anh trở về nhà và phó mặc mọi việc cho vợ tiếp tục, cũng như không chia sẻ với cô ấy sẽ khiến cô ấy càng cảm thấy bực bội và chán nản, những mâu thuẫn này sẽ còn tiếp tục xảy ra khi hai bên không thông cảm với nhau. Khi hết giờ làm thì anh được nghỉ ngơi, nhưng vợ anh còn tiếp tục những công việc không tên này cho đến khi lên giường ngủ. Nếu đặt vào vị trí của vợ anh, anh sẽ hiểu được cảm giác này.

Vì vậy, với vai trò là người chồng người cha trong gia đình, trước hết anh cần hiểu được nguyên nhân sâu xa này. Nếu thực sự hiểu được cô ấy đang mệt mỏi như thế nào, anh sẽ bớt trách móc cô ấy hơn và sẽ có cách để giúp cô ấy có thêm thời gian cho bản thân như cùng vợ chăm sóc con cái, làm việc nhà. Nếu anh im lặng khi cô ấy nổi cáu hoặc góp ý không đúng lúc sẽ không giải quyết được vấn đề. Bởi khi vợ anh không thoải mái và không cảm thấy được thấu hiểu, không giải tỏa được những búc xúc thì cô ấy sẽ còn cáu giận và tình trạng căng thẳng sẽ còn kéo dài.

Cho dù bận rộn, anh có thể sắp xếp thời gian để khi về có thể phụ chút việc với vợ, như thế cô ấy sẽ cảm thấy vui vì có người bạn đời hiểu và biết chia sẻ công việc với mình. Đồng thời cô ấy có thời gian để chăm sóc bản thân và nâng cao năng lực chuyên môn để sớm trở lại với công việc khi con lớn hơn. Ngoài ra, mỗi lúc vợ chồng cùng làm việc nhà với nhau tạo được nhiều hơn khoảng thời gian tiếp xúc, là cách để tăng thêm tình cảm vợ chồng, giúp cho mối quan hệ gia đình thêm mặn nồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật