Bộ Tài chính: Đề xuất gói giải pháp hỗ trợ DN vượt khó

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ Tài chính: Đề xuất gói giải pháp hỗ trợ DN vượt khó
Ảnh minh họa

Để hỗ trợ DN hoạt động ổn định và phát triển trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt các giải pháp thuế, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ diễn ra trong ngày 30 và 31-7-2014. Những đề xuất này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước đến năm 2015.

Bỏ khống chế chi phí lễ tiết

Về chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), một nội dung được khá nhiều DN quan tâm đó là phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được quy định là vượt quá 15% tổng số chi được trừ thì sẽ phải đưa vào thu nhập tính thuế TNDN.

Quy định này nhằm bảo hộ hợp lý đối với các DN có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thực tế là DN cũng cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ, chiếm lĩnh thị trường. Bộ Tài chính đã xem xét một số kiến nghị của các DN, hiệp hội DN bao gồm cả DN trong nước về lộ trình bỏ tỷ lệ này.

Mặt khác, trong hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu đàm phán của các Hiệp định tự do thương mại, nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam bỏ quy định này do thực tế trên thế giới chỉ rất ít nước còn quy định tỷ lệ khống chế đó. Với những nguyên do đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội cho phép "chỉ khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh" vì những chi phí này là cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sẽ minh bạch, cụ thể trong tổ chức thực hiện.

Miễn thuế hỗ trợ "bám biển"

Trong đề xuất về thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), một giải pháp của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo là miễn thuế TNCN đối với thu nhập của chủ tàu từ hoạt động cung cấp dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Như vậy, bên cạnh các chủ tàu trực tiếp khai thác hải sản xa bờ đã được miễn thuế TNCN theo quy định hiện hành, các chủ tàu có dịch vụ hậu cần cung cấp nước ngọt, xăng dầu cho tàu đánh cá cũng sẽ sớm được miễn thuế TNCN nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Cũng trong dự kiến miễn giảm thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động Việt Nam và thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế. Theo Bộ Tài chính, có một thực tế rằng, cá nhân là thuyền viên làm việc cho hãng tàu nước ngoài, cùng mức lương được chủ tàu trả thì thu nhập thực nhận của người Việt Nam thường thấp hơn so với người nước ngoài do chịu thuế TNCN hoặc do chủ tàu phải trả thuế TNCN cho thuyền viên Việt Nam. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của lao động là thuyền viên Việt Nam.

Đồng thời, cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản là đối tượng đặc thù thường không hiện diện ở nước nào quá 183 ngày nên không là đối tượng cư trú của nước ngoài. Việc miễn thuế này sẽ phù hợp với đặc thù của hoạt động XK lao động là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu nước ngoài và đảm bảo công bằng với người lao động nói trên.

Gia hạn thuế GTGT

Theo quy định hiện hành, máy móc, thiết bị NK tạo tài sản cố định của DN phải nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) ngay khi NK và số tiền thuế đó sẽ được hoàn. Thực tế hiện nay, các DN đầu tư dự án có giá trị lớn, phải NK hàng hóa là máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí tiền NK, tiền nộp thuế đối với hàng NK, đặc biệt là những trường hợp hàng hóa NK có giá trị lớn (từ trên 100 tỷ đồng); nhiều DN phải vay vốn ngân hàng để có tiền NK máy móc, thiết bị, tiền nộp thuế khâu NK dẫn đến chi phí về vốn lớn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DN.

Để giải quyết vấn đề này của DN, góp phần giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đề nghị "Gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế GTGT của máy móc, thiết bị NK để tạo tài sản cố định của dự án và tổng giá trị NK từ 100 tỷ đồng trở lên. Giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN".

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) mà NSNN chậm thanh toán. Trong thực tế, một số DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN gặp khó khăn do NSNN chưa bố trí được nguồn để thanh toán, tình trạng chậm thanh toán này là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN.

Để giải quyết vướng mắc này, tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã cho phép dự án đầu tư chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ghi trong dự toán NSNN thuộc diện được gia hạn thuế không quá 1 năm. Tuy nhiên, những trường hợp việc chậm thanh toán của NSNN kéo dài nhiều năm DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Để tháo gỡ, Bộ Tài chính đề xuất nâng thời hạn nêu trên lên "không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với dự án đầu tư chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ghi trong dự toán NSNN" với điều kiện đính kèm là "Số thuế được gia hạn không vượt quá số tiền NSNN còn nợ và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian NSNN còn nợ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật