‘Vương quốc’ vải thiều sôi động bước vào mùa quả ngọt

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với diện tích 18.000ha trồng cây vải thiều, trong đó có 8.500ha trồng theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được mệnh danh là “vương quốc” vải thiều.
‘Vương quốc’ vải thiều sôi động bước vào mùa quả ngọt
Thu hoạch vải tại một gia đình ở Lục Ngạn.

Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi cho việc ra hoa, kết trái, song sản lượng vải thiều vẫn ước đạt 90.000 tấn quả tươi và dự kiến hơn 40% trong số này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Người dân nơi đây đang khấp khởi vui mừng đón mùa quả ngọt.

Chúng tôi có mặt ở huyện Lục Ngạn khi vải thiều chín sớm bắt đầu được thu hoạch. Chỉ mới vào đầu vụ, song hoạt động mua bán vải thiều ở Lục Ngạn đã nhộn nhịp.

Suốt dọc đường từ thị tứ Kim (xã Phượng Sơn) qua Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn… bất chấp cái nắng Hè như đổ lửa, dòng người cùng những thùng, sọt chất đầy vải chín căng mọng đổ về các điểm thu mua.

Cho dù chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và cấm xe tải hạng nặng, xe container đỗ gần các điểm tập kết hàng nhưng tình trạng tắc đường vẫn xảy ra.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các điểm tập kết vải thường đặt gần nhau nên vào lúc cao điểm thường hay xảy ra cảnh chen lấn, đứng ra ngoài lòng đường để chờ đến lượt cân hàng gây ra tình trạng ách tắc giao thông. Tuyệt nhiên, không phải vì thế mà xảy ra sự đôi co, cãi vã, trái lại những người bán hàng vui vẻ tranh thủ trò chuyện với nhau.

Sự hồ hởi hiện trên khuôn mặt rám nắng thấm đẫm mồ hôi của những người nông dân phần nào phản ánh được tâm trạng phấn chấn của họ khi có được một vụ mùa vải thiều sớm bội thu.

Phần lớn các chủ thu mua đều có chung nhận xét, vải thiều sớm vụ này có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên giá cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giá dao động từ 16.000-25.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Theo chân Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phượng Sơn Thân Văn Huy, chúng tôi đến gặp thương nhân Trần Văn Đoàn, người có kinh nghiệm 15 năm tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở thị trường miền Nam với khối lượng 1.000 tấn/năm.

Anh Đoàn cho biết: "Nhìn chung vải thiều sớm năm nay có hình thức bắt mắt, chất lượng tốt nên được người tiêu dùng miền Nam ưa chuộng. Đến nay, việc tiêu thụ vải thiều ở thị trường này diễn ra khá thuận lợi, hy vọng sẽ tạo được sự đột biến khi vải thiều vào chính vụ."

chia tay anh Đoàn, lách qua những đoàn xe máy chở đầy vải đang chen chúc đứng chờ cân hàng, vừa đi ông Huy vừa nói: "Không chỉ có đội quân đông đảo thương nhân người Việt Nam tham gia 'đánh hàng' đi tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu mà số lượng người Trung Quốc sang trực tiếp thu mua cũng tăng lên. Hiện, chỉ tính riêng ở xã Phượng Sơn có 18 người mang quốc tịch Trung Quốc đã sang đăng ký đóng chốt cân hàng. Con số này sẽ tăng lên nhiều lần khi vải thiều chính vụ bắt đầu vào cuối tháng Sáu này."

Thương nhân Dương Quốc Quân, người Vân Nam (Trung Quốc) đang đặt điểm cân tại thị tứ Kim cho biết, gần chục năm nay năm nào anh cũng đóng chốt ở đây nhập hàng. Thường thì mua xong ban ngày, chập tối anh cho đóng hàng bốc lên xe chạy thẳng đi Vân Nam qua đường Hà Khẩu (Lào Cai). Năm nay hoạt động mua bán và vận chuyển vải thiều sang Trung Quốc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường.

Theo anh Dương Quốc Quân, hình thức và chất lượng của vải thiều ngày càng tốt hơn nên khả năng tiêu thụ tại thị trường này cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, vải thiều chín sớm chỉ chiếm một lượng khá khiêm tốn (12%) trong tổng số vải thiều cả vụ.

Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Ngạn, trên địa bàn huyện có 1.750ha trồng các giống vải chín sớm như: u hồng, u trứng, u thâm, lai Thanh Hà, Bình Khê, Hùng Long... trong đó chủ yếu là hai giống u hồng và lai Thanh Hà, sản lượng ước đạt 7.000 tấn quả tươi và chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chỉ một số lượng nhỏ xuất khẩu.

Trước những lo ngại về thị trường xuất khẩu truyền thống của mặt hàng này là Trung Quốc có thể gặp khó khăn, ngay từ tháng 5/2014 lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành chức năng nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiến hành các biện pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tới những vùng, miền trong nước, tổ chức nhiều đoàn tiếp xúc, tìm kiếm thị trường ở khu vực cửa khẩu và phía Nam.

Hơn nữa, theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn, ngoài các đơn hàng thu mua quả vải tươi từ các thị trường truyền thống, năm nay vải thiều Lục Ngạn sẽ có các hợp đồng tiêu thụ lớn hơn từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Campuchia...

Sự nỗ lực này đã được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh đánh giá cao, song ông cũng đề nghị tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thương nhân, doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều về nguồn vốn, điện, hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự trong thời gian thu hoạch vải; quản lý tốt thị trường và các đối tượng thương lái, thu mua theo quy định của Pháp Luật, tránh để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá.

Cùng với đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Không chỉ các cơ quan chức năng, người dân trồng vải thiều tất bật chuẩn bị cho mùa quả ngọt mà công tác hậu cần phục vụ thu hoạch cho loại quả có giá trị kinh tế cao này cũng không kém phần sôi động.

Một số nơi đã hình thành các chợ lao động phục vụ nhu cầu của người làm vườn và người thu mua. Lao động hái vải được thuê với mức tiền công từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/ngày và chủ vườn phục vụ ăn nghỉ, riêng lao động đóng vải được tính theo năng suất hằng ngày nên tiền công có thể cao hơn. Trong khi đó, nguyên-phụ liệu phục vụ đóng gói, vận chuyển như thùng xốp, đá cây cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn, năm nay toàn huyện có 51 cơ sở sản xuất đá cây với công suất khoảng 900.000 cây/vụ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất thùng xốp cũng đã chạy hết công suất từ trước khi thu hoạch hàng tháng, xây dựng kho bãi để tích trữ hàng.

Mỗi năm, vụ vải thiều mang lại cho người dân Lục Ngạn khoảng 1.300 tỷ đồng, đây là nguồn thu lớn đối với huyện miền núi này.

Chính vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để chủ động đưa ra những giải pháp đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, cũng như sự tích cực, khẩn trương của người dân và doanh nghiệp trong việc chuẩn bị thu hoạch và tiêu thụ vải thiều đã phần nào trấn an được nỗi lo lắng về điệp khúc "được mùa mất giá." Hy vọng rằng "vương quốc" vải thiều sẽ không phải nếm "trái đắng" trong mùa quả ngọt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật