Tái cơ cấu để thay đổi căn bản nền nông nghiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 1 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, toàn ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có hình dung rõ nét hơn về đề án này thông qua những chính sách cụ thể, tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tái cơ cấu để thay đổi căn bản nền nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
Trao đổi với phóng viên , Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã cho biết sâu hơn về kết quả của đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (TCCNN), cùng với đó là những vấn đề đang được toàn ngành giải quyết triệt để trong quá trình thực hiện cuộc “cách mạng trong nông nghiệp” này.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả ông tâm đắc nhất sau 1 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đề án TCCNN được chính thức khởi động trong 6 tháng cuối năm 2013. So với một chính sách có tính chất cách mạng cả một nền nông nghiệp thì đây chưa phải là khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, qua 1 năm triển khai đề án này, hiện nay từ công luận cho đến chính quyền địa phương cũng đã hình thành rõ nét hơn chủ trương và giải pháp thực hiện tái cơ cấu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quan trọng hơn, việc thực hiện đề án đã thay đổi được nhận thức của một bộ phận cán bộ và bà con nông dân các địa phương và một số công việc cụ thể.

Tôi cũng xin nhấn mạnh lại, TCCNN không phải là việc làm ứng phó tình huống, mà là thay đổi căn bản trong nền nông nghiệp Việt Nam. Đây là việc có tác động đến 25 triệu người làm nông nghiệp. Chính vì vậy, việc tiên quyết là phải tạo ra nhận thức chung thống nhất và quyết tâm cao trong toàn ngành, nếu không thì không thể thành công.

Vậy ngành Nông nghiệp sẽ có những điều chỉnh như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng sau TCCNN?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để thực hiện chủ trương TCCNN thì cần điều chỉnh về cơ cấu đầu tư và tổ chức lại sản xuất. Ngay cả cơ cấu đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng phải được điều chỉnh tương ứng, tập trung cao độ đối với những lĩnh vực chủ chốt phát huy cao hơn những lợi thế của ngành.

Các địa phương cũng cần cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ở địa bàn của mình, phát huy cao hơn lợi thế, phù hợp với tình hình từng địa phương, phổ biến cho bà con nông dân để đồng thuận tiếp tục triển khai hiệu quả. Cụ thể hơn, từng huyện và từng xã cần xác định rõ cây, con nào là chủ lực của mình và chỉ tập trung cao độ trong 1-2 năm tới để làm cho cây, con đó phát huy hiệu quả thực sự phát huy được hiệu quả cao hơn cho bà con nông dân.

Định hướng lớn của TCCNN là chuyển từ phát triển số lượng sang phát triển mạnh về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả. Mục tiêu cụ thể là tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành phải từ 3% trở lên.

Thưa Bộ trưởng, việc đào tạo nghề cho nông dân trong đề án này được xác  định như thế nào?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc đào tạo nghề cho nông dân vẫn bám sát chủ trương trong chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nhưng cần có sự điều chỉnh cách tiếp cận và phương pháp để có hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đã đào tạo được hơn 200.000 lượt nông dân làm nghề nông có hiệu quả cao hơn và trên 70% nông dân được đào tạo đã phát huy kiến thức được học. Tuy nhiên, tiến độ đào tạo như vậy còn chậm, còn nhiều việc cần điều chỉnh để chương trình đào tạo có hiệu quả cao hơn.

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương tập trung đào tạo cán bộ và bà con nông dân làm dịch vụ kỹ thuật cho nông thôn như cán bộ dịch vụ thú y, cán bộ về dịch vụ bảo vệ thực vật, hoặc cán bộ về dịch vụ cơ giới hóa thủy nông… Cùng với đó, trong đề án TCCNN này sẽ khuyến khích việc đào tạo nông dân tham gia chương trình sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực của các địa phương.

Một phương diện cũng được đặc biệt quan tâm trong TCCNN là việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà  nước. Về phía Bộ NNPTNT công việc này đang được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng tôi đã có kế hoạch, đề án sắp xếp đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ đang quyết liệt triển khai thực hiện việc tái cơ cấu. Riêng năm 2013 đã cổ phần hóa được 3 tổng công ty. Năm nay tiếp tục cổ phần hóa các tổng công ty theo kế hoạch của Chính phủ.

Vấn đề nợ xấu và thua lỗ sẽ được rà soát và phân loại để có giải pháp giải quyết phù hợp. Chúng tôi cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xử lý đúng quy định của luật pháp.

Điển hình như vấn đề thua lỗ của Vinafood 2 vừa qua được dư luận nêu lên, Bộ NNPTNT đã thành lập đoàn kiểm tra để thự hiện kiểm tra tại tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên. Trong thời gian ngắn tới sẽ có kết luận để chỉ rõ vấn đề chỉ đạo đối với tổ chức cá nhân liên quan, đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý tồn tại, và xử lý theo quy định của luật pháp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật