Thương mại Việt Nam – ASEAN: Tăng trưởng trung bình 17%/năm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những năm gần đây, ASEAN luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, vượt trên EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trung bình khoảng 17%/năm.
Thương mại Việt Nam – ASEAN: Tăng trưởng trung bình 17%/năm
Ảnh minh họa

Không ngừng mở rộng hợp tác

Sau khi chính thức trở thành thành viên ASEAN vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – ASEAN đã không ngừng được mở rộng, đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác thương mại.

Dẫn thống kê từ Nghiên cứu Chỉ số hợp tác Việt Nam 1992-2012 vừa được Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, so với năm 2003, thương mại hai chiều ASEAN - Việt Nam tăng gần 4 lần, đạt 35,3 tỷ USD vào năm 2011, ASEAN chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đến năm 2012, con số này đã lên tới hơn 38 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN khoảng 23% và nhập khẩu là 19%.

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ngày một chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Từ những mặt hàng nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm với giá trị cao và ổn định. Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may.

Về nhập khẩu, ASEAN là thị trường cung cấp hàng nhập khẩu lớn cho Việt Nam. Nhập khẩu từ ASEAN chiếm 17,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu tập trung vào các nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng. Trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 54% tổng kim ngạch thương mại.

“Điểm mặt” các đối tác lớn

Xét với từng thị trường trong khu vực, hiện tại, Singapore là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN trong năm 2012. Nếu tách riêng Singapore khỏi ASEAN thành một đối tác riêng, thậm chí quốc gia này còn xếp trong top 4 những nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, hợp tác song phương Việt Nam – Singapore đã có những bước phát triển vượt bậc là do hai nước đã ký kết Hiệp định Khung về Kết nối hai nền kinh tế. Hơn nữa, so với các thị trường trong khu vực, Singapore là quốc gia có chính sách thương mại tự do với mức độ mở cửa lớn nên hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào thị trường này đều được miễn thuế hoàn toàn.

Trong khối ASEAN, nếu Singapore là đối tác nhập khẩu lớn nhất thì Malaysia là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Malaysia đã tăng gấp 40 lần, từ 110,6 triệu USD năm 1995 lên đến 4,5 tỷ USD năm 2012. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán với Malaysia năm 2012 đã chuyển sang trạng thái thặng dư với mức xuất siêu là 1,08 tỷ USD sau nhiều năm thâm hụt.

Sau Singapore và Malaysia, Thailand là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thailand tăng trưởng mạnh từ mức 541,1 triệu USD năm 1995 tới 8,6 tỷ USD năm 2012. Trong đó, xuất khẩu tăng gấp 28 lần và nhập khẩu tăng gấp 13 lần.

Các nước còn lại trong khu vực như Lào, Campuchia, Philippines mới chỉ có mức trao đổi thương mại với Việt Nam dưới 3 tỷ USD/năm. Myanmar là nước có mức độ hợp tác thương mại với Việt Nam thấp nhất trong khối.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành. Đây sẽ là một tiền đề quan trọng để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu cơ giữa Việt Nam và các nền kinh tế ASEAN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật