
Ngày 12 tháng 8, nhiều tờ báo quân sự Mỹ tiết lộ, cùng với việc quân Mỹ tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, Không quân Mỹ đang tìm kiếm mô hình triển khai quay trở lại thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Đồng thời, chuyên gia phân tích quốc phòng Canada cũng đề xuất, để ứng phó với thực lực tăng trưởng mạnh của Hải quân Trung Quốc, Hải quân Canada cần điều phần lớn chủ lực hạm đội từ bờ đông sang bờ biển phía tây ở Thái Bình Dương.
Ngày 12 tháng 8, tờ "Thời báo Không quân" Mỹ dẫn lời Tư lệnh không quân Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, thượng tướng Herbert Carlisle cho biết, Không quân Mỹ đang trở về với mô hình mà lực lượng chiến thuật từng sử dụng thời kỳ chiến tranh Lạnh, đó là lực lượng trong nước của Mỹ triển khai luân phiên ở các căn cứ châu Âu tiến hành đóng quân huấn luyện.
Điều này có nghĩa là nhiều máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và thành viên tổ lái cơ động hơn của Không quân Mỹ sẽ đến Thái Bình Dương, không chỉ là đến Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn được điều đến Australia, Nam Thái Bình Dương và Guam. Ngoài những động thái trên, quân Mỹ sẽ còn triển khai phi đội máy bay chiến đấu F-35 và máy bay V-22 Osprey ở Thái Bình Dương.
Carlisle cho biết: "Ngay từ thời kỳ chiến tranh Lạnh, chúng tôi đã áp dụng mô hình này, cứ hai năm hầu như có 1 lực lượng ở lãnh thổ Mỹ luân phiên đến châu Âu, hiện nay, chúng tôi đang chuyển mô hình này tới Thái Bình Dương".
![]() |
Tàu ngầm Hải quân Canada |
Hiện nay, hoạt động luân phiên triển khai của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương đã bắt đầu, trong đó có 4 tháng luân phiên triển khai 12 máy bay chiến đấu F-22 ở căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản và 3 tháng triển khai luân phiên 24 máy bay chiến đấu F-16 ở căn cứ không quân Hàn Quốc.
Ở Guam, Không quân Mỹ đã duy trì luân phiên mang tính vĩnh viễn đối với máy bay ném bom tàng hình B-2 và máy bay ném bom B-52.
Không quân Mỹ vận chuyển thiết bị thi công tới Australia, hỗ trợ cho căn cứ xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong 1-2 năm tới, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu của Không quân Mỹ sẽ bắt đầu triển khai ở căn cứ Darwin, Australia, tiếp thep máy bay chiến đấu khác và nhân viên tổ lái sẽ còn luân phiên triển khai ở các căn cứ khác của Australia.
Không chỉ như vậy, Không quân Mỹ còn chuẩn bị triển khai máy bay chiến đấu ở Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines tiến hành diễn tập.
Trong thời điểm quân Mỹ ra sức thực hiện chiến lược "tái cân bằng" châu Á-Thái Bình Dương, Canada cũng xuất hiện dấu hiệu bày binh bố trận ở Thái Bình Dương. Theo tờ "Bưu điện Toàn quốc" Canada, Trung Quốc ngày càng mở rộng hải quân, ngày càng ngang ngược trong tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng.
![]() |
Binh sĩ Hải quân Canada |
Có chuyên gia phân tích quốc phòng đề nghị, Hải quân Canada cần điều chỉnh bố trí, tập trung cho khu vực Thái Bình Dương, điều phần lớn tàu chiến từ miền đông tới bờ biển phía tây thuộc Thái Bình Dương.
Nhà phân tích David McDonough cho rằng, Hải quân Canada cần phát triển năng lực tác chiến săn ngầm ở khu vực Thái Bình Dương. Thiếu tướng hải quân nghỉ hưu Roger Girouard cho rằng, Canada cũng cần tìm cách trở thành một "nước lớn Thái Bình Dương".
Nhưng, mạng tin tức Yahoo Canada ngày 12 tháng 8 bình luận cho rằng, Canada không cần "phát run" vì Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tấn công lãnh thổ Canada.
![]() |
Máy bay tuần tra săn ngầm C-140 của Canada |