Côn đồ nhí “khoái“ dùng mã tấu

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện tượng mang mã tấu chém người để giải quyết mâu thuẫn trong thời gian gần đây liên tục xảy ra tại TP HCM khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Điều đáng lưu ý hơn là những đối tượng gây án phần lớn đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên, thậm chí có những em đang là học sinh, sinh viên.
Côn đồ nhí “khoái“ dùng mã tấu
Các đối tượng trong những vụ chém người, cướp tài sản và hung khí trong một số vụ án.

Chém người… từ chuyện bấm còi xe, pha đèn, nẹt pô

Vụ án nghiêm trọng"Mang mã tấu xông vào nhà chém nhiều người trọng thương" mới xảy ra ở nhà 3/2 Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp là một trong những vụ việc điển hình.

Từ việc Dương Thành Nhân, 19 tuổi, ngụ ở phường 17, quận Gò Vấp chạy xe vào con hẻm này và đến trước nhà 3-2 thì bị kẹt đường vì một nhóm thanh niên tụ tập đánh bài trong hẻm, Nhân đã bấm còi và pha đèn để xin đường thì bị nhóm này đánh xây xát để dằn mặt.

Để trả đũa sự việc trên, 4 ngày sau Dương Thành Nhân đã cùng nhóm bạn ở phường 17 trang bị mã tấu, ống tuýp sắt quay lại nhà 3/2 và xông vào chém trọng thương nhiều người. Sau khi vận động Nhân ra đầu thú vào ngày 13/7, Công an quận Gò Vấp tiếp tục truy xét bắt khẩn cấp 4 đồng bọn khác trong nhóm này và tiếp tục điều tra làm rõ. Cả 5 đối tượng đều ở độ tuổi 19 và 20.

Ngày 6/7, anh Hoàng Sơn Hải (và nhiều người khác trong gia đình) ngụ ở KP5, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đã bị một băng côn đồ dùng mã tấu tấn công từ ngoài đường vào trong nhà khiến nhiều người trọng thương phải đưa đi cấp cứu chỉ vì anh Hải đã lên tiếng chỉ trích một đối tượng trong nhóm này do hắn chạy xe nhanh khi ngang qua đoạn đường đông trẻ em. Hiện Công an quận Thủ Đức vẫn đang tiếp tục truy xét nhóm thủ phạm gây án.

Theo thống kê sơ bộ từ đầu năm 2008 đến nay, riêng ở địa bàn quận Gò Vấp đã xảy ra hơn 10 vụ giết người, 13 vụ chém người ở mức độ cố ý gây thương tích, hầu hết đều xuất phát từ những nguyên nhân xã hội và mâu thuẫn tương tự các vụ nêu trên.

Đến những vụ cướp tài sản

Thói quen sử dụng bạo lực trong lứa tuổi thanh, thiếu niên qua hàng loạt vụ dùng mã tấu chém người vì những nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt đã dẫn đến các vụ án nghiêm trọng hơn.

Trong tháng 4, ở địa bàn quận Bình Thạnh đã xảy ra vụ chém người, cướp xe giữa hai băng nhóm côn đồ.

Sau khi dùng mã tấu, kiếm Nhật đuổi chém đối phương bỏ chạy, các đối tượng Trần Tấn Minh Phương (20 tuổi); Nguyễn Thành Tâm ("Bi em", 1‌8 tuổ‌i; Nguyễn Ngọc Long, 20 tuổi; Hồ Thanh Sang, 1‌8 tuổ‌i và đồng bọn cướp chiếc xe Wave của "địch thủ" mang gửi vào bãi giữ xe. Hành vi trên đã cấu thành tội cướp tài sản.

Cuối tháng 4, Công an quận Bình Thạnh cũng khám phá truy xét bắt một băng "cướp nhí" gồm 7 đối tượng đều ở độ tuổi từ 15 đến 18. Bằng thủ đoạn chặn những người đi khuya, dùng dao nhọn và số đông ùa vào tấn công nạn nhân, trong một đêm chúng đã thực hiện đến 8 vụ cướp tài sản của người đi đường.

Mới đây nhất là vụ chém người cướp tài sản xảy ra đêm 11/7 trên đường Nguyễn Thị Định (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) mà Công an đang tiến hành truy xét. Một băng côn đồ đi trên hàng chục xe gắn máy kéo đến tiệm Internet và dùng dao dài, kiếm Nhật tấn công những người có mặt nơi này, trong đó anh N.T.V. (24 tuổi) đang ngồi chơi phía trước cửa tiệm đã bị chúng đánh bị thương và giật lấy sợi dây chuyền vàng 1,5 lượng đeo trên cổ. Sau khi đuổi chém khiến mọi người chạy tán loạn, chúng lên xe bỏ đi.

Giải pháp ngăn chặn

Theo nhận định của Trung tá Trà Văn Lào, Phó Trưởng Công an quận Gò Vấp thì thực trạng "các vụ dùng mã tấu chém người" có xu hướng gia tăng trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân.

Chủ yếu vẫn là việc giáo dục của gia đình. Đa số các đối tượng gây án đều thuộc diện thanh, thiếu niên hư, bỏ học và tụ tập đua đòi theo những đối tượng xấu, có tiền sự sử dụng ma túy…

Bị lôi kéo sử dụng chất kích thích, chúng thách thức nhau và dẫn đến những hành vi manh động, dùng mã tấu chém người. Cũng không loại bỏ một yếu tố khác là số đối tượng cai nghiện được hồi gia hiện nay không có công ăn việc làm cũng có vai trò trong các vụ việc trên.

Qua công tác rà soát gần đây, Công an quận Gò Vấp phát hiện số đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn đã tăng gấp 2,5 lần so với các báo cáo của phường trước đó.

Nói đến giáo dục và quản lý từ gia đình khiến người ta nhớ đến vụ chém người ở phường 9, quận 5 xảy ra vào tháng 3. Do mâu thuẫn cá nhân, một nhóm học sinh Trường THPT Hàn Hải Nguyên do Kou Chi Siêu, 17 tuổi, cầm đầu đã chặn đường chém hai em học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang là Nguyễn Hữu Bằng và Kha Hiền Tôn trọng thương. Trước đó cũng chính Kou Chi Siêu đã dùng dao chém một người đi đường đứt lìa ngón tay vì sự cố va quệt xe.

Sau khi truy xét Công an quận 5 đã bắt 10 đối tượng, thu giữ 4 con dao dài và 8 ống tuýp inox mà chúng đem gửi ở nhiều nơi khác nhau. Các em học sinh khai nhận vẫn thường mang theo hung khí trong lúc đi học nhưng tất cả những việc này thì các phụ huynh và nhà trường đều không hay biết.

Thượng tá Mai Văn Tấn, Trưởng phòng PC14 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi các vụ việc cố ý gây thương tích trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, Ban Giám đốc Công an TP đã có kế hoạch triển khai thực hiện đến Công an các địa phương để tăng cường công tác quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư, vận động giao nộp vũ khí, hung khí, tăng cường công tác giáo dục răn đe.

Trong thời gian qua từ công tác trinh sát, PC14 cũng đã nhiều lần phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhiều vụ mang hung khí để đi chém nhau giữa các băng nhóm như vụ băng Trúc “bông hồng" ở quận Tân Phú, vụ nhóm thanh, thiếu niên gồm 19 tên ở quận 12 thuê ôtô mang theo mã tấu định đi chém nhau với một nhóm khác ở Biên Hòa…

Tuy nhiên, đối với các trường hợp này theo quy định pháp luật đều chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự. Còn đối với những vụ đã xảy ra thì đều mang tính bột phát nên lực lượng Công an chỉ có thể làm công tác truy xét, xử lý.

Tâm lý học đòi làm "người hùng" như trong phim ảnh B.L, xã hội đen cũng tác động không ít đến số thanh, thiếu niên hiện nay. Những chuyện thách thức nhau trong các cuộc chơi không lành mạnh ở các tụ điểm quán xá ăn uống về khuya dễ dàng đẩy các em đến những hành vi manh động để "chứng tỏ mình", kết quả là trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân trong các vụ án hình sự. Do vậy, bên cạnh các biện pháp của chính quyền, đoàn thể thì gia đình và học đường vẫn là yếu tố căn bản để kéo các em quay về với gia đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật