WB, IFC ghi nhận dấu hiệu ổn định của kinh tế VN

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Simon Andrews cùng ghi nhận những dấu hiệu kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đã dần chuyển biến ổn định, lạm phát và lãi suất giảm, bên cạnh đó các chỉ số kinh tế có xu hướng tăng trở lại.
WB, IFC ghi nhận dấu hiệu ổn định của kinh tế VN
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, hàng tồn kho, nợ quá hạn, năng lực cạnh tranh vẫn còn là những bài toán khó.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 với chủ đề "Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động," do Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, IFC và WB tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 6 năm 2013, các vị lãnh đạo nhận định đã đến lúc Việt Nam phải tiến lên với những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh với các quyết định được đưa ra nhanh chóng, thủ tục được đơn giản hóa và luật lệ được thực thi công bằng hơn để các công ty cạnh tranh với nnhau bằng giá trị thực sự của mình. 

Thay mặt Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund cho rằng, việc tiến hành cải cách trong lĩnh vực kinh tế và tài chính là rất cần thiết nếu Việt Nam muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu. 

“Việt Nam cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn với chất lượng tốt hơn. Để được như vậy, Chính phủ nên tiếp tục tập trung các nỗ lực trong quý II/2013 vào việc giải quyết ba vấn đề tổng quát về giá cả, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ,” ông Preben Hjortlund nói.

Ghi nhận những tín hiệu tích cực về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, Đại diện Eurocham cho biết, kết quả điều tra về Chỉ số môi trường kinh doanh thực hiện trong tháng 3/2013 cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang dần cải thiện với chỉ số tăng từ 45 điểm lên 48 điểm.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có những hành động cụ thể cho các giải pháp cải cách kinh tế. 

Cảm nhận về môi trường kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Motonobu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết năm 2012, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư 4,2 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam và chiếm 40% tổng vốn FDI cả nước. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện cũng đang mở rộng đầu tư trực tiếp sang các nước châu Á khác như Thái Lan. Riêng trong năm 2012 đầu tư trực tiếp vào Thái Lan của Nhật vào khoảng 13 tỷ USD, gần gấp 3 lần vào Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam cần làm rõ chiến lược thu hút đầu tư thông qua các chính sách cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Các nhà đầu tư Nhật cũng đề xuất 3 điểm chính nhằm xóa bỏ vướng mắc, nâng cao lợi thế nhằm thu hút đầu tư mạnh hơn của Việt Nam, đó là việc nâng cấp môi trường kinh doanh (cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); Tăng cường quy trình xây dựng, ban hành, thực thi, thực thi luật pháp và hệ thống tư pháp. Cuối cùng là miễn thị thực cho cho khách ngắn hạn đã có đóng góp lớn trong việc thu hút luồng vốn FDI mới vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ghi nhận, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề hết sức hệ trọng, nhất là đối với Việt Nam khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo môi trường kinh doanh cần thiết để thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài là động lực để Việt Nam phát triển. 

“Do đó, VBF là kênh đối thoại hết sức quan trọng, góp phần cung cấp những phản hồi về các vấn đề phải sửa đổi, bổ sung của chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

VBF là kênh đối thoại hữu hiệu giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tại VBF, đại diện các cơ quan chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các chủ đề cơ sở hạ tầng, thị trường vốn, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Pháp Luật, thuế, đất đai và hải quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật