Thép xây dựng: Nhiều trò gian lận

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng loạt lò sản xuất thép đang đua nhau tung ra thị trường các loại thép kém chất lượng. Tình trạng cân thiếu, trộn thép nhà máy với thép gia công, thép Trung Quốc giá rẻ đang rất phổ biế
Thép xây dựng: Nhiều trò gian lận
Một điểm kinh doanh thép xây dựng ở quận Bình Thạnh-TPHCM vừa bị QLTT xử lý vì cân thiếu. Ảnh: L.G

Do giá sắt thép xây dựng từ nhiều tháng nay tăng rất cao nên không ít cơ sở sản xuất thép trong nước cũng như giới kinh doanh mặt hàng này đang tìm nhiều cách để gian lận. thủ đoạn phổ biến nhất là cân thiếu, trộn thép nhà máy với thép gia công, thép Trung Quốc (TQ) giá rẻ và tình trạng sản xuất thép không đúng kích cỡ, không bảo đảm chất lượng...

Thép trộn, thép không rõ nguồn gốc

Gần đây, nguồn thép TQ được nhập về khá nhiều (mỗi tháng nhập từ 60.000 tấn- 100.000 tấn, một lượng lớn trong số này được đưa vào TPHCM tiêu thụ), giá bán rẻ hơn hàng trong nước từ 300.000 đồng- 400.000 đồng/tấn. Do mức chênh lệch lớn như vậy nên nhiều người bán hàng đã tìm cách trộn thép TQ với hàng trong nước để kiếm lợi. Mới đây, Chi cục QLTT TPHCM đã kết hợp cùng cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh sắt thép trên địa bàn. Bước đầu, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng chục cơ sở vi phạm về kinh doanh sắt thép, trong đó không ít trường hợp kinh doanh sắt thép không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng... Tại khu vực quận 7, đoàn kiểm tra phát hiện 2 cơ sở vi phạm với gần 526 tấn thép; tại quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, có 3 cửa hàng vi phạm với gần 2.000 tấn thép các loại.

Tương tự, QLTT TP Đà Nẵng cũng đã bắt giữ một vụ thay đổi nhãn mác với số lượng lớn lên đến 219 tấn thép nhập từ TQ nhưng khi về đến kho của đơn vị nhập hàng lại được thay bằng nhãn mác của Công ty Thép Miền Nam...

thủ đoạn cân thiếu và bán sai chủng loại khách hàng yêu cầu hiện cũng rất phổ biến. Chẳng hạn khách yêu cầu thép cây Ô14 thì giao Ô12 hoặc Ô16 lại giao Ô14 (mỗi chủng loại thép cây thường chênh lệch giá từ 60.000 đồng- 80.000 đồng/cây)...

Thép gầy, thép ốm... tràn lan

Tình trạng thép gầy, thép ốm trước đây đã từng xuất hiện đã bị dư luận lên án khá nhiều nay đang bùng phát trở lại. Đây là một kiểu gian lận kích cỡ rất nghiêm trọng từ nhà sản xuất hoặc có sự tiếp tay của nhà sản xuất. Đối với các loại thép cuộn (Ô6, Ô8...), cach gian lận là sản xuất thiếu chuẩn kích cỡ khoảng trên dưới 1 mm đường kính. Đối với thép cây, có hai dạng ăn bớt đường kính bằng cách sản xuất thân thép nhỏ (ốm) hơn tiêu chuẩn, trong khi phần gân nổi trên thân thép được nhô cao hơn để bù đắp. Dạng thứ hai là cây thép được sản xuất không phải hình tròn mà có hình oval, nhìn thì thấy lớn nhưng thực chất đường kính bị thu hẹp khá nhiều so với cây thép chuẩn. Dạng thép gầy, thép ốm này khả năng chịu lực rất kém, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình...

Dù giá thép xây dựng tăng gây khó khăn cho các chủ công trình và giới nhà thầu xây dựng, nhưng trên thực tế không ít chủ thầu vẫn sống khỏe nhờ vào nguồn thép trôi nổi. Ông Thành, giám đốc một công ty xây dựng tại TPHCM, cho biết trong năm qua, đơn vị ông lỗ nặng vì giá thép tăng liên tục, trong khi nhiều đơn vị khác vẫn không bị ảnh hưởng gì. Ông tâm sự: “Nếu tôi làm theo họ (sử dụng nguồn thép giả, thép kém chất lượng) thì bây giờ đâu phải nợ cả chục tỉ đồng”.

Mở lò thủ công làm thép giả

Theo giới chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất thép, trước đây khi chi phí vận chuyển còn thấp, nguồn thép dỏm từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc được tuồn vào phía Nam khá nhiều. Nhưng cả năm nay, một số cơ sở sản xuất thép thủ công ở các địa phương đã chuyển địa bàn vào các tỉnh miền Đông thuê đất mở lò cán thép bán hàng tại chỗ. Không ít nhà thầu xây dựng hoặc các điểm kinh doanh sắt thép tìm đến đặt hàng (số lượng từ 10 tấn trở lên) sản xuất theo yêu cầu với nhãn hiệu được dập nổi trên thân thép như hình quả táo, bông mai, V... để giả sản phẩm của các hãng thép nổi tiếng. Giá loại thép dỏm này thường thấp hơn giá thị trường từ 1,5 triệu đồng- 2 triệu đồng/tấn.

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện và xử lý một số cơ sở sản xuất thép xây dựng trên địa bàn giả nhãn hiệu của một số công ty thép nổi tiếng trong nước. QLTT TPHCM cũng vừa bắt quả tang một cơ sở sản xuất thép dạng này trên địa bàn quận 9 (cơ sở không có giấy phép hoạt động, không công bố tiêu chuẩn chất lượng...). Tang vật gồm một lò nung, một máy ép, 3 máy kéo dùng để sản xuất thép Ô6, Ô8 va gần cả chục tấn thép thành phẩm.

Giá thép đang giảm

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết nhu cầu tiêu thụ thép hiện nay đang giảm khá mạnh. Tháng 5 ước chỉ tiêu thụ khoảng 230.000 tấn, trong khi sản lượng của các nhà máy là 300.000 tấn. Do đó, nhiều nhà máy hiện nay cũng phải tranh thủ bán ra bằng cách giảm giá. Hiện thị trường phía Bắc đang giảm khoảng 200.000 đồng/tấn, còn 15,3 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật