Đờn dừa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở vương quốc dừa Bến Tre, những sản phẩm sinh hoạt hàng ngày được làm ra từ cây dừa là chuyện bình thường. Còn việc làm ra bộ nhạc cụ bằng dừa là chuyện hiếm.
Đờn dừa
Nghệ nhân Võ Văn Bá luôn nghĩ rằng mình mang nợ với cây dừa quê hương.

Câu chuyện về cây đờn dừa cũng được vinh danh từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của hai nghệ nhân Võ Văn Bá và Nguyễn Thanh Liêm. Ước mơ đưa cây dừa đi xa cùng tiếng nhạc đã thành công.Một căn chòi nhỏ nằm nép mình dưới rặng dừa xanh, trong đó, nghệ nhân Võ Văn Bá ngày đêm miệt mài để biến ước mơ thành hiện thực.

Ông tâm sự: “Mình sống dưới tán dừa, ngày ngày hít thở không khí được phát ra từ dừa, tiếng gió vi vu thổi qua từng tàu dừa nuôi nấng trong mình cảm giác mang nợ và ý tưởng làm nhạc cụ dân tộc bằng thân cây dừa cũng là sự trả ơn đối với cây dừa xứ mình.”
Ước mơ làm nhạc cụ bằng dừa đã được ông ấp ủ từ mấy mươi năm trước, khi còn chiến tranh. Thời chiến tranh, ông cùng người bạn của mình là Nguyễn Thanh Liêm hoạt động văn công phục vụ bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ.
Chuyện những cây đờn bị hỏng sau trận càn là chuyện thường như cơm bữa. Rồi chuyện ngồi mày mò sửa đờn, chấp vá đủ mọi cách cũng thường xuyên. Lúc đó, ước mơ lớn nhất của hai ông là làm sao để có thể tạo ra một loại nhạc cụ bền nhất, gọn nhẹ mà gần gũi nhất. Hòa bình, trở lại đời thường cũng là thời gian mà tóc hai ông đã ngả màu.
Hàng ngày ngồi dưới tán dừa, được ru ngủ bởi bóng mát ở xứ sở ba đảo dừa xanh mà lòng có cảm giác mang nợ cây dừa. Trong khi đó, biết bao nhiêu sản phẩm đã được làm ra từ cây dừa.
Người dân Bến Tre rất thông minh là vậy, biết làm giàu từ sản vật của quê hương mình. Hai ông Võ Văn Bá và Nguyễn Thanh Liêm bắt tay vào nghiên cứu chế tác nhạc cụ bằng cây dừa.
Tất nhiên, nói thì dễ nhưng khi làm mới phát sinh bao nhiêu là khó khăn. “Bản thân gỗ dừa không giống gỗ của các loại cây khác mà chỉ có đường dăm và bột dừa, nếu đẽo mạnh sẽ bị nứt hoặc xước”– ông Bá nói.
Do đó, để làm được cây đờn dừa thì thời gian phải mất gấp đôi làm đờn thường. Còn việc làm thế nào để chế tác được thùng đờn như đờn kìm cũng đã khó. “Làm cây đờn kìm mà hai anh em ngồi tính hoài không biết làm sao để mà uốn cong cây dừa làm cái thùng được, cuối cùng cũng nghĩ ra là cắt thành khoanh như tấm thớt vậy, rồi sau đó đục đẽo cho giống”- ông Liêm tâm sự.
Vất vả suốt 10 năm trời, hai ông cũng thành công khi cho ra đời 27 nhạc cụ dân tộc hoàn toàn bằng dừa. Những nhạc cụ gồm đờn sến, đờn nguyệt, đờn bầu, đờn gáo, đờn cò. v.v... đều có thể tấu lên những giai điệu dân tộc.
Không chỉ làm cho giống hình mẫu, hai nghệ nhân còn sáng tạo nhiều dạng khác như thiết kế bầu của cây lục huyền cầm to hơn, để cho ra âm thanh trầm hơn; hoặc đưa vào phần bầu những dây lò xo tạo ra tiếng vang để dàn hợp âm đờn dừa thêm nhiều cung bậc… 
Giáo sư Trần Văn Khê: “Điều quý nhất chính là nó được làm bằng chất liệu dừa, loại cây đặc trưng của quê hương Bến Tre” (ảnh chụp lại).
Trong dịp Lễ hội dừa Bến Tre vừa qua, cũng là lần Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam tiến hành xác lập kỷ lục, Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét đây là bộ đờn độc nhất vô nhị của Việt Nam. Cũng theo Giáo sư Trần Văn Khê, điều quý nhất chính là nó được làm bằng chất liệu dừa, loại cây đặc trưng của quê hương Bến Tre.
Không một quốc gia nào, một dân tộc nào trên tiến trình phát triển mà không có âm nhạc đi cùng. Ở Việt Nam, nhiều dân tộc đã có nhạc cụ riêng thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình. ĐBSCL nổi tiếng với đờn ca tài tử, nhưng từ lâu, những nhạc cụ sử dụng trong loại hình văn hóa này cũng mang tính vay mượn.
Ước mơ tạo ra bộ nhạc cụ bằng nguyên liệu dừa tại địa phương và thực hiện ước mơ nâng tầm thành nhạc cụ mang bản sắc tài tử hoàn toàn có thể thực hiện được khi hiện tại, hai nghệ nhân đã thành công không chỉ bằng sự sáng tạo, mà còn bằng niềm đam mê và tình yêu thiết tha với cây dừa. Mối lương duyên giữa cây dừa và âm nhạc một lần nữa cho thấy, khi tình yêu được phát khởi từ tâm hồn thì việc đưa cây dừa cùng tiếng đờn tài tử vang xa là chuyện mà chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật