Hội chứng soi túi tiền của dân

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đặc điểm chung của các “kiến nghị“ móc túi tiền của người dân là ngoài viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn ta gấp nhiều lần.
Hội chứng soi túi tiền của dân
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HH BĐS kiến nghị đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên. Ảnh minh họa: Ngọc Thắng/TNO

"Kiến nghị" của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HH BĐS (Hiệp hội bất động sản) TP.HCM khiến một lần nữa nổi sóng gió dư luận:  Đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên!

Để tăng tính thuyết phục cũng như cho khách quan, ông chủ tịch HH này dẫn chứng ở Mỹ và châu Âu "cũng làm vậy"!

Săm soi tới đồng tiền tiết kiệm

BĐS nước ta đang trong cơn khủng hoảng nặng. Ai cũng biết như vậy. Song cái khác là nhiều ngành khác bị khủng hoảng đã nhận được sự cảm thông chia sẻ rất nhiều từ công luận, còn BĐS thì không! Lúc Bộ Xây dựng đưa ra phương án "cứu" BĐS, nhiều ý kiến đã phản đối gay gắt. Cái gì cũng có nguyên do! Việc cứu BĐS bị phản ứng nhiều bởi đây là ngành đã "làm mưa làm gió" suốt một thời gian dài, đẩy giá thị trường nhà ở các đô thị lên mức cao nhất thế giới. Cũng nhờ lợi nhuận khủng bao năm qua, BĐS đã "đẻ" ra hàng loạt đại gia từ bóng tối bước ra.

"Đóng góp" cho nguồn lợi nhuận khổng lồ của BĐS là sự "hy sinh" của bao người dân phải bị thu hồi đất, nhà với giá đền bù thấp so với đầu ra của các dư án BĐS trên mảnh đất của mình. Mức chênh lệch có khi gấp mấy chục lần giữa giá đền bù cho dân và giá bán nền của nhà đầu tư! "Cơ chế" đã ban cho những nhà đâu tư dự án cơ hội quý hơn vàng suốt thời gian dài mà nhiều ngành khác không có được.

Nói cho công bằng thì không phải nhà đầu tư BĐS nào cũng là người được hưởng "ân sủng" như vậy! Song rõ ràng đầu tư và đầu cơ BĐS bao năm qua là cơ hội vàng "một vốn bốn lời" với người tham gia vào.

Chính nhu cầu đầu cơ quay cuồng như ma trận đã dẫn thị trường BĐS vào cửa tử, kéo theo các nhà đầu tư và đầu cơ. Nhiều người trở thành đại gia sau vài vụ "trúng" dự án nay trở thành con nợ khổng lồ, ôm dự án chịu trận, để lãi mẹ đẻ lãi con.

Làm ăn có thắng có thua là nguyên tắc bất di bất dịch khắp thế giới này. BĐS đã được hưởng lợi từ cơ chế quá nhiều, nay gặp khó khăn xin được "cứu" nghe không thuận chút nào! Xét về tình cảm, lý trí lẫn đạo đức đều không "lọt lỗ tai"! Đó là ký do khiến dư luận có nhiều quan điểm, ý kiến không đồng tình. Bởi nếu "cứu" thì phải dùng tiền ngân sách, tức đồng tiền của dân đóng thuế!

Hơn nữa, nếu vì vai trò quan trọng với nền kinh tế cần phải "cứu", thì hiện nay có rất nhiều ngành, đối tượng cần phải "cứu" hơn, phải tiếp sức cấp bách hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn ngành nông nghiệp mà đối tượng chính là nông dân đã đóng góp cho đất nước gần 22 tỷ đô la xuất khẩu trong điều kiện họ vẫn phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"; xuất khẩu được nhiều ngoại tệ cho đất nước vượt qua cơn khủng hoảng trong khi nông dân thua lỗ!

Trong lúc đó, ông chủ tịch Hiệp hội BĐS lại tung một "đề xuất" chẳng khác chi tiếng sét ngang tai: đánh thuế trên tiền lãi tiết kiệm! Một kiến nghị nặng mùi "nhóm lợi ích", nhòm ngó, săm soi những đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân.

Người ta tự hỏi, phải chăng BĐS quen hưởng lợi trên sự "hy sinh" của số đông người dân mà cơ chế tạo ra suốt thời gian dài nên giờ lại mon men muốn hưởng tiếp lần nữa để vượt qua khó khăn?

Ở nước ta chưa ai nghĩ rằng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là đầu tư cả. Điều này ông chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cố tình không nói hay ông không biết? Ông chỉ đưa ra dẫn chứng ở Mỹ và các nước khác làm như vậy song ông không biết rằng, các nước ấy đã có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, đảm bảo cuộc sống cho người mất sức lao động, người về hưu và người thất nghiệp, đau ốm! Còn ở ta, tiền gởi ngân hàng đúng như tên gọi là "tiết kiệm" phòng thân lúc bất trắc, lúc về già, ốm đau.

Cách đây hơn 6 năm, tức năm 2006, trước khi thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, Quốc Hội đã bàn về việc này. Ý kiến cuối cùng là không đánh thuế vào tiền gởi tiết kiệm của nhân dân bởi "lợi bất cấp hại".

Thật ra nếu có đánh thuế vào những đồng tiền lãi tiết kiệm chăng nữa thì cũng khó mà ép người dân phải dùng tiền đổ vào BĐS như thâm ý của ông chủ tịch BĐS. Hậu quả họ sẽ quay trở lại đưa đồng tiền trú vào vàng như truyền thống trước đây. Hoặc là cất giữ trong tủ...

Hội chứng "móc tiền" dân

Dường như đã thành "căn bệnh", để giải quyết một mục tiêu hay tăng lợi nhuận, không ít người ngay lập tức nghĩ đến "móc" tiền từ túi người dân. Nhiều trường hợp, chiêu "móc túi" này được gọi bằng cái tên mỹ miều là "huy động sức dân".

Ở mức độ nào đó thì việc "huy động sức dân" là cần thiết vì Nhà nước "sống" được là do dân nuôi. Nhưng lạ‌m dụn‌g như thời gian qua, thành "hội chứng" thì không bình thường nếu không gọi đáng báo động!

Ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng nghề cụ thể thì chiêu "móc túi" biến hóa khôn lường tùy lúc tùy thời.

Nhắc đến ngành điện lực người ta liền nghĩ tới căn bệnh "tăng giá" triền miên. Dù danh xưng là công ty song nhờ độc quyền nên ngành điện dễ dàng áp đặt mọi chuyện lên đầu "thượng đế"! Mặc dù không phải lần nào đề xuất tăng giá điện cũng được Bộ Công thương và Chính phủ thông qua song chưa năm nào người sử dụng điện thoát khỏi nạn tăng giá. Có năm "ông" điện tăng tới 3 lần mà vẫn chưa hài lòng! Điệp khúc "giá điện trong nước vẫn thấp hơn giá một số nước" là chiêu bài để "ông" này "móc túi" người tiêu dùng.

Tiếp theo là "ông" xăng dầu. "Ông" này có vẻ đàng hoàng hơn "ông" điện lực một chút vì có lúc giảm giá, song cơ bản vẫn là "lùi một bước để tiến ba bước".

Đáng sợ nhất là "ông" giao thông vận tải với khẩu hiệu nổi tiếng "Đóng phí giao thông đường bộ là yêu nước"! Vì không phải là doanh nghiệp nên "ông" này không tăng giá mà "soi" vào túi tiền của người dân bằng chiêu "phí".

3 năm nay "ông" này đề xuất ra nhiều loại phí đánh vào phương tiện đi lại của người dân.  Chiếc xe máy, xe ô tô lâu nay đổ xăng đã phải gánh phí đường bộ 1.000 đồng/lít, nay đề xuất thu thêm "phí duy trì bảo hành đường bộ", tức phí đè lên phí để rút tiền của người dân. Phương tiện đi lại chẳng khác gì đôi chân, sống chết gì cũng phải đi làm, đưa con đi học nên dù vô cùng ấm ức, người dân cũng phải chịu.

Tiếp đến là đề xuất phạt xe không chính chủ. Dù đã bị phản ứng kịch liệt phải dừng lại, nhưng nay Bộ này vẫn "kiên trì" kiến nghị nữa với mức phạt rất cao cho "xe không chính chủ" mà không quan tâm đến nguyên nhân đằng sau việc người dân phải chấp nhận đi xe không chính chủ.

Đặc điểm chung của các "kiến nghị" móc túi tiền của người dân là ngoài viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn ta gấp nhiều lần. Tỷ dụ như việc thu phí chồng phí giao thông đường bộ, đường sá thiên hạ tốt hơn, các trạm thu phí không dày đặc bủa vây như ta... Sâu xa hơn là trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của những cơ quan chức năng của họ cao hơn, sáng tạo hơn nhiều lần thì không thấy đề cập, hoặc cố tình lờ đi.

Nói ra để thấy rằng, có sự không công bằng giữa người dân và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp độc quyền và tổ chức Hiệp hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai tuyên chiến với "lợi ích nhóm" và những biến tướng vô cùng của nó. Nói rộng ra, ngoài việc "huy động sức dân" thì chính các cơ quan quyền lực, tổ chức kia phải phát huy trách nhiệm của mình, trong đó không kém quan trọng là lo cho dân chứ không phải chỉ chăm chăm "móc" túi của dân!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật