Thư viện hơn 22.000 cuốn sách của người cựu chiến binh

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là người ham mê đọc sách, cựu chiến binh Phạm Thế Cường đã “biến“ tủ sách của mình với hơn 22.000 cuốn sách thành thư viện phục vụ cộng đồng miễn phí.
Thư viện hơn 22.000 cuốn sách của người cựu chiến binh
Ông Phạm Thế Cường bên kho sách của mình. Ảnh: Hữu Công.

"Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện gia đình Phạm Thế Cường", tấm biển treo trước cổng nhà ông Cường trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp (TP HCM) là địa điểm quen thuộc của các em thiếu nhi trong xóm, đặc biệt là trong những ngày hè. Thư viện mở cửa mỗi tuần 4 buổi 2, 4, 6 và chủ nhật. Đến đây, mọi người có thể tự do đọc hoặc mượn đem về. Với những sinh viên đang làm luận văn, hoặc có nhu cầu trong học tập sẽ được ông Cường giúp đỡ thêm cả các buổi khác.

Vào Sài Gòn gần ba chục năm và công tác ở bộ phận kỹ thuật trong quân đội (Công ty 32, Bộ Quốc phòng), ông Cường kể, năm 2008 sau khi về hưu ông quyết định mở thư viện tư nhân với suy nghĩ "mình có nhiều sách, có thời gian và cả không gian thì tại sao không mở một thư viện để mọi người đều có thể đến đọc?". Mặt khác, với ông, sách là tinh hoa kiến thức của nhân loại nếu không phổ biến cái tinh hoa ấy đến mọi người thì sẽ rất lãng phí.

Tấm biển trước cổng nhà ông Phạm Thế Cường trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP HCM.

Quyết định của ông Cường được cả vợ và 2 người con ủng hộ. Để có kinh phí "nuôi" thư viện và các hoạt động văn hóa khác của CLB sách Nguyễn Huy Tưởng do mình thành lập, ông Cường đã cắt một phần nhà cho thuê.

Toàn bộ phòng khách tầng trệt, diện tích 42m2, là phòng đọc với các kệ sách chủ yếu dành cho thiếu nhi. Chồng lập thư viện, vợ làm thủ thư. Nhưng để bạn đọc, nhất là các em học cách ứng xử với sách vở, cách tìm nguồn kiến thức mình cần, ông Cường để sẵn một cuốn sổ đen to, dày để tự các em tới, tìm đọc cuốn gì, mượn về cuốn gì thì tự giác ghi vào đó.

"Các cháu muốn mượn sách của thư viện không cần tiền thế chân mà chỉ cần làm một cái thẻ nhỏ, cũng là để tập cho các cháu tính trách nhiệm và trung thực. Tôi luôn nói với họ thư viện này là của chung, của tất cả những ai đến đọc sách. Vì vậy tôi cũng bảo các cháu nếu có truyện, sách có thể đóng góp để thư viện ngày càng phong phú hơn", ông Cường chia sẻ.

Tầng thượng trên lầu 4 lợp mái tôn nóng hực là nơi ông để các cuốn sách hiếm, những cuốn ông thích đọc và hay đọc... Các kệ sách gỗ có, sắt có cao vài mét đều tự tay ông Cường đóng. Trong đó cũ nhất là cuốn "Tắt lửa lòng" của Nguyễn Công Hoan in năm 1936; "Thanh đạm" in bằng giấy lụa năm 1942 có cả bút tích của tác giả Nguyễn Công Hoan hay mấy cuốn kiếm hiệp như "Mộ hùng chương" in năm 1937 ở Hà Nội và hàng trăm cuốn về cuộc chiến tranh Việt Nam...

Vì mê đọc sách từ nhỏ nên năm 15 tuổi, ông Cường đã có gần 1.000 cuốn sách. Năm 1982, khi chuyển vào Sài Gòn ông đem theo 5 bao sách lớn. Đi bằng tàu lửa, lúc nhận hàng thấy mất 3 bao. Người ta giao nhầm ở những ga trước, vì đi nhờ tàu quân sự nên ông cũng chẳng biết bắt đền ai. "Trong mấy bao sách bị mất toàn sách văn học chọn lọc nổi tiếng thời đó như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Xa Mạc Tư Khoa, Hồng lâu mộng… và nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc. "Có cả cuốn Chiến bại có lời giới thiệu ký tên C.B mà tôi đoán không biết có phải của Bác Hồ viết hay không. Hai bao còn lại toàn sách khoa học thường thức và truyện thiếu nhi. Tôi tiếc đứt ruột", giọng ông Cường đầy nuối tiếc.

Đến nay kho sách của ông Cường đã có hơn 22.000 cuốn với đủ các thể loại từ truyện tranh hiện đại cho đến những cuốn tiểu thuyết được in từ đầu thế kỷ XX trên giấy đen. Những quyển sách được xếp ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho việc tìm kiếm theo từng chủ đề riêng. "Tôi tự lập mã hoàn toàn khác với mã của các thư viện bình thường vì phân loại sách theo sở thích, nhu cầu của mình. Sách của tôi chưa đủ nhiều để chia thật nhỏ thành các thư mục nên tôi chia theo ý thích, ví dụ "SH" là sách hiếm, "TG" là tôn giáo, "NL" là sách người lớn...", ông Cường nói.

Để xây dựng được một thư viện tư nhân với hàng chục nghìn cuốn sách, ông Cường thu vén từ nhiều nguồn như: đến các hội chợ sách rẻ để tìm mua, NXB Kim Đồng hai năm qua tặng thư viện tư nhân của ông được 400 đầu sách (mỗi đầu 2 cuốn), một số nhà văn tặng, người dân đi qua thấy bảng hiệu cũng xách vài bịch tạp chí, sách cũ mang cho... Do vậy, thư viện tư nhân của ông Cường rất phong phú với nhiều chủng loại sách.

Các kệ sách trong thư viện của ông Cường. Ảnh: Hữu Công.

Nói về việc làm của mình, người cựu chiến binh bảo lúc đầu không nghĩ được mọi người ủng hộ đến vậy. Ông Cường kể còn nhận được sự giúp đỡ rất tình cờ, đó là lần ông có dịp ra Hà Nội. Hôm đó do mải mê nhìn ngắm phố phường mà ông vượt cả đè‌n đ‌ỏ tại một ngã tư vắng và bị cảnh sát "hỏi thăm". Khi xuất trình giấy tờ, anh cảnh sát nhận ra ông Cường là chủ "thư viện sách tư nhân" vì đã đọc bài báo viết về ông vài tháng trước.

"Anh cảnh sát đã không xử phạt mà chỉ nhắc nhở tôi rút kinh nghiệm. Anh ấy còn đưa cho tôi 500.000 đồng nhờ mua thêm sách cho thư viện để phục vụ cộng đồng nhưng tôi chỉ cảm ơn mà không nhận", ông Cường nói và cho biết một thời gian sau bỗng ông nhận được một thùng đồ gửi đến nhà. Khi mở ra ông thấy có 72 cuốn truyện tranh Conan do người cảnh sát giao thông ở Hà Nội gửi vào tặng cho thư viện.

"Tôi chỉ mong muốn làm sao duy trì cho thư viện hoạt động được hiệu quả và thu hút được nhiều người đến đọc sách cũng như có thêm người cùng chí hướng để quản lý, phát triển thư viện này", ông Cường nói về dự định tương lai của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật