Cháu kết hôn với chú để... xuất ngoại (?)

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây, chúng tôi nhận được đơn của một người chồng tố cáo vợ mình vì muốn định cư tại nước ngoài, đã nghĩ ra cách gửi đơn ra TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội xin được ly hôn.
Cháu kết hôn với chú để... xuất ngoại (?)
Ảnh minh họa

Màn kịch được tiếp nối bằng cách cô vợ sẽ đăng ký kết hôn với người chú họ (con chú, con bác ruột với bố mình) để được xuất ngoại.

Thoả thuận trái pháp luật

Hồ sơ vụ ly hôn của anh K gửi cùng
 đơn tố cáo tới chúng tôi

Trong đơn tố cáo, anh LVK, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì cho biết: Anh thực sự hối hận khi nhận được thông báo của TAND huyện Thanh Trì triệu tập đến trụ sở nhằm hoà giải việc ly hôn giữa anh và chị Nguyễn Thị H.

Anh K viết: “Tôi và H lập gia đình với nhau từ năm 2000 trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi sống rất hoà thuận, hạnh phúc, có một cháu nhỏ lên 7 tuổi ngoan ngoãn, chăm học. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình tôi trở nên phức tạp khi người chú họ của vợ tôi từ Mỹ về nói rằng, sẽ giúp vợ tôi được xuất ngoại sang bên ấy làm việc để con cái có tương lai, vợ chồng thay đổi cuộc sống.

Sau khi được chú “tư vấn”, H có đưa ra đề nghị tôi thực hiện việc ly hôn giả tạo để giúp vợ được ra nước ngoài định cư làm việc. Tôi thực sự cảm thấy bị sốc khi H cho biết, có một ông chú họ đang làm việc bên Mỹ, muốn vợ tôi sang định cư bên ấy, bằng một việc trái với luân thường đạo lý là việc hai vợ chồng phải tạm chia tay, tạo ra một cuộc ly hôn giả nhằm qua mặt các cơ quan pháp luật hai nước. Sau khi ly hôn, H sẽ hợp thức hoá thủ tục đăng ký kết hôn với người chú họ, từ đó sẽ hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh sang Mỹ định cư một cách hợp pháp.

Ban đầu tôi phản đối, nhưng rồi nghe vợ thuyết phục tôi đã đồng ý rồi cả hai tạo dựng lên những màn kịch xô xát, mâu thuẫn để mọi người xung quanh chứng kiến. Ngày 1/4/2008, vợ tôi nộp đơn ra TAND huyện Thanh Trì xin ly hôn. Thưa quý báo, hôm nay tôi đã nghĩ lại và nhận ra sai lầm của mình cùng những hậu quả xấu sẽ xảy đến với hạnh phúc của vợ chồng chúng tôi, nên tôi đã quyết định không tiếp tục cùng H thực hiện việc ly hôn giả tạo đầy sai trái nữa.

Tôi vẫn muốn gìn giữ hạnh phúc của gia đình mình, không muốn ly hôn với H làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, sự phát triển của đứa con mới tròn 7 tuổi. Để minh chứng cho những gì tôi tố cáo là đúng sự thực, tôi xin được gửi đến chúng tôi đĩa ghi âm cuộc nói chuyện giữa tôi và H vào ngày 12/9/2007 tại nhà riêng ở thị trấn Văn Điển. Tôi làm đơn này kính mong quý báo vào cuộc lên án hành vi xin ly hôn trái pháp luật, trái đạo đức của H nhằm giúp tôi bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ cho đứa con nhỏ có sự dạy dỗ của người mẹ”.

Liệu còn hạnh phúc?

Theo anh K, ban đầu cả hai đều đồng thuận với mục đích “cải thiện kinh tế gia đình, con cái có tương lai”. Theo kế hoạch, sau khi cuộc ly hôn thành công, vợ anh sẽ làm thủ tục đăng ký kết hôn với người chú họ ở bên Mỹ và xuất ngoại. Định cư một thời gian, vợ anh sẽ làm thủ tục ly hôn rồi bảo lãnh cả gia đình sang cùng đoàn tụ. Chiếc đĩa CD ghi âm gửi kèm đơn đến báo được anh K cho biết đó là cuộc trao đổi giữa anh với chị H, trong đó có đoạn: “Anh tưởng là một người dưng mà người ta về Việt Nam để bảo lãnh cho mình sang bên ấy à, anh hoang đường thế.

Con cháu người ta còn đầy ra, còn lâu người dưng họ mới bảo lãnh cho mình. Chú về Việt Nam kết hôn với em, để đưa sang bên ấy làm ăn. Nếu vậy thì vợ chồng mình phải ly hôn, luật pháp nào cho kết hôn với hai chồng. Chú bảo thủ tục nó rườm rà lắm nên phải thuận vợ, thuận chồng thì mới trót lọt được. Sang bên Mỹ, việc làm có sẵn, em làm một thời gian rồi bảo lãnh anh và con sang sau. Bước đầu tiên (ám chỉ việc ly hôn giữa anh K và chị H- PV) mà không hoàn thiện thì những bước tiếp theo làm sao trôi chảy được, nó rườm rà lắm, anh hiểu chưa?”.

Hiện TAND huyện Thanh Trì đã tiến hành hoà giải lần thứ 3 giữa anh K và chị H, nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, với sự cương quyết của người vợ khiến nỗ lực của Toà án sẽ khó trở thành hiện thực. “Hiện hạnh phúc của vợ chồng chúng tôi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nỗ lực của Toà án nhằm hoà giải đã không đi đến kết quả. Hiện người chú họ của chị H vẫn đang ở bên Mỹ chờ chúng tôi ly hôn xong là về Việt Nam để đăng ký với vợ của tôi rồi đưa sang định cư bên ấy” - anh K cho biết.

Luật sư Trần Chí Thanh - Văn phòng Luật sư Tâm Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Ly hôn giả là trái pháp luật, vi phạm đạo đức người Việt

Việc các bên thỏa thuận kết hôn giả và sau đó ly hôn là vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình. Cho dù giữa các bên có lập giấy thỏa thuận và cam kết hứa hẹn thế nào đi chăng nữa, văn bản ấy cũng không có giá trị pháp lý. Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi”.

Ngoài ra, thỏa thuận kết hôn như vậy còn là sự lừa dối gia đình, bà con họ hàng và bạn bè hai bên. Do vậy giải pháp trên cũng khó có thể chấp nhận về mặt đạo lý người Việt. Anh K cần làm đơn gửi đến Toà án nhằm chứng minh mình còn yêu vợ, cuộc sống gia đình không có mâu thuẫn…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật