Sinh viên đi bán máu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không nhộn nhịp cờ quạt, không băng rôn khẩu hiệu đỏ rực cả một đám đông như người ta vẫn thường thấy khi sinh viên nô nức tham gia hiến máu nhân đạo. Sinh viên đi bán máu lặng lẽ và câm lặng đến tội lòng.
Sinh viên đi bán máu
Chuyện thường ngày ở Khoa Thu gom huyết học

Lặng lẽ những lần lấy ven

8h 30 một ngày đầu hè tại Khoa Thu gom máu, viện huyết học truyền máu Trung ương chật ních những khuôn mặt trẻ lặng lẽ ngồi điền những thông tin cá nhân vào tờ phiếu màu xanh ghi "Phiếu hiến máu nhận tiền bồi dưỡng".

Thấy tôi rút một tờ phiếu màu đỏ ở tầng dưới chiếc giá đỡ giấy, một nhân viên y tế nhắc nhở như sợ tôi chọn nhầm: "Em ơi, tờ đỏ là hiến máu tình nguyện. Đợi chút sẽ có người mang tờ xanh ra". Ngày hôm đó, chốc chốc nhân viên của khoa thu gom lại mang một xập phiếu màu xanh ra bổ sung vào tầng dưới giá đỡ giấy khi phiếu đã vơi.

Tôi liếc sang tờ phiếu của người ngồi cạnh. "Mới đi lần đầu hả?"- Tuấn, sinh viên năm thứ 2 trường Điện lực (theo như ghi trong tờ phiếu) nhìn tôi từ đầu đến chân. Thế bạn đi mấy lần rồi. Không trả lời câu hỏi của tôi, Tuấn điền một cách thành thục vào tờ phiếu của mình để nộp cho nhân viên y tế rồi nhanh chóng kéo người bạn đi cùng sang buồng kế bên ngồi chờ xét nghiệm.

Căn phòng có tới gần 60 người nhưng chỉ có tiếng giày dép loẹt quẹt và tiếng quần áo sột soạt. Không có ai nói với ai một câu nào, những người đến đây bán máu luôn mang một khuôn mặt lặng tờ đến u sầu. Không ai cần biết danh tính của nhau, không muốn biết danh tính của nhau. Họ ngồi ở ghế chờ tiếng nhân viên y tế đọc tên của mình trên chiếc loa cầm tay để vào xét nghiệm.

Nghe đến tên của mình, Tuấn vội vàng vén tay áo lên tận khuỷu, nhỏm cái thân hình gầy nhẳng ra phía ô cửa xét nghiệm. Rồi lát sau, với vẻ mặt hơi thất vọng, chàng sinh viên trở về chỗ ngồi, nói với người bạn đi cùng: "Lần này chỉ được 250 cc, có trăm rưởi thôi. Mày đi lần đầu chắc phải được 450 cc, ba trăm". Tôi nhìn miếng bông loang máu dịt ở chỗ ven trên cánh tay trái Tuấn: "Có đau không?". Thấy tôi hỏi han, ánh mắt lạnh lùng của Tuấn có vẻ dịu lại rồi giục: " Quen rồi, Sang buồng bên kia ăn bồi dưỡng để lấy máu".

Bữa ăn bồi dưỡng là một hộp sữa tươi và 2 chiếc bánh ngọt. Căn phòng chỉ vang lên những tiếng nhai nhóp nhép. Dùng xong suất của mình, Tuấn uống ực một cốc nước gừng - thứ nước đã được nhân viên y tế pha sẵn có tác dụng làm tăng lượng hồng cầu trong máu rồi đi vào trong phòng kê những chiếc giường xanh - nơi mà Tuấn cùng hàng chục sinh viên khác sẽ nằm lên đó bán những giọt máu trong c‌ơ th‌ể của mình để có tiền tiêu.

Căn phòng lặng như tờ bỗng xôn xao bởi một cô gái trạc 20 tuổi ngất xỉu ngay sau khi ra khỏi phòng lấy máu. Mọi ánh mắt đổ dồn vào khuôn mặt cô gái đã tái xanh tái mét trong chốc lát rồi lại tiếp tục cúi xuống điền phiếu, ngồi chờ, ăn bồi dưỡng... "Những trường hợp ngất xỉu thế này ngày nào cũng có nên đã là chuyện bình thường" - một nhân viên y tế của khoa Thu gom cho biết.

Những "cò" hút máu

Trong khoa Thu gom máu của viện huyết học hôm đó, có cả những khuôn mặt trông dữ dằn nhưng mơ màng buồn ngủ. Họ không đến để bán máu mà ngồi quan sát những ai khỏe mạnh, có thể cho máu nhiều. Người bạn đi cùng Tuấn cùng một số sinh viên khác được một người đàn ông trung niên nhảy ra sân rồi nói bằng một giọng thì thầm:

- Chú ra chỗ Việt Đức cùng anh. 200cc, 300 ngàn. Gấp đôi ở cái viện huyết học này.

- Gấp đôi thật không? Giá đã quy định thì bệnh viện nào chẳng thế?

Thấy tôi nghi ngờ, người đàn ông có khuôn mặt nhăn nhúm, liền ghé sát tai tôi nói bằng một giọng vẻ nhiệt tình đến khổ sở:

- Cô em sợ người khác biết à. Đừng ngại. Không sao đâu.

Những ánh mắt dò xét đổ dồn về phía người đàn ông. Rồi như để chứng minh “tấm lòng” của mình, người đàn ông vỗ vai một người thanh niên tầm 20 tuổi nói:

- Chú này học Thương mại đã đồng ý rồi. Nào, cần hai người nữa. Nhanh lên không bệnh nhân người ta chờ. Giá tiền hấp dẫn, khỏi tơ vương bận lòng.

Vừa lúc đó, Tuấn từ trong phòng lấy máu đi ra, tay vẫn dịt miếng bông. Thấy bạn, anh bạn đứng cạnh tôi vội chạy lại thì thầm. Tuấn nghe rồi nhăn mặt:

- Mày đừng có đi bọn nghiện đó. Chẳng may, nó chích cho một phát thì bỏ mẹ.

Cuối cùng, cũng có hai sinh viên nhảy lên chiếc xe Dream đã được chuẩn bị sẵn để đi cùng người đàn ông trung niên. Tôi ngăn một anh bạn có thân hình khá to cao:

- Anh vừa cho máu ở đây rồi , đi nữa nguy hiểm lắm. Ở lại thôi.
- Có sao, trước lúc đi ăn bao nhiêu cà rốt và uống viên sắt rồi.

Thế rồi hai chiếc Dream phóng mất hút sau cánh cửa Bệnh viện Bạch Mai

Tuấn nhìn theo rồi nhả một câu về phía tôi: “Dụ được một người bọn này phải được ít nhất hai trăm. Chúng tìm những bệnh nhân đang cần truyền máu gấp rồi ép họ trả với giá cao hơn gấp mấy lần ấy chứ”.

Bán máu lấy tiền tiêu

Thấy Tuấn đã có vẻ thân thiết với một người lạ như tôi, đợi Tuấn lấy xong tiền bồi dưỡng để ra về, tôi mới dám đi cùng trò chuyện. Bằng một giọng đứt quãng, lẻ tẻ và vẫn có phần dè dặt, Tuấn kể tôi nghe cái lần đầu tiên theo bạn đi bán máu vào năm kia. “Hồi đó cắm cái máy tính, nên cần tiền gấp để nhổ ra. Sau đấy, cứ hết tiền lại đi bán. Thành quen”. – Tuấn kể. Tháng trước bán ở Thái Nguyên thì ít người biết, lên đây, chỉ sợ bạn bè nhìn thấy, chẳng biết giấu mặt vào đâu. Tôi ngạc nhiên: “ Hai tháng rưỡi mới được thay máu một lần cơ mà?”. “Qui định thế thôi. Mỗi lần bán ở một bệnh viện khác nhau, có trời mà biết”. “Cho máu nhiều quá là hại sức khỏe đấy”. “Cũng biết thế. Có đợt hai tháng cho 2 lần nên bị ngất xỉu. Nhưng rồi cũng qua”. Nói rồi Tuấn phóng xe chở bạn đi thẳng ra phía cổng, về hướng Sóc Sơn, Hà Nội.

Tôi quay trở lại Khoa Thu gom trò chuyện với những nhân viên y tế ở đây mới hay, càng gần những dịp Tết hay gần những ngày lễ: 8/3, 20/10, ngày giáng sinh…số lượng sinh viên bán máu càng nhiều bởi những ngày đó, sinh viên cần tiền để mua quà, hay có tiền tàu xe về quê. Có hôm khoa Thu gom nhận được gần 100 tờ phiếu cho máu màu xanh.

11h 30 trưa, khoa Thu gom máu của Viện huyết học đã tạm nghỉ làm việc. Người bán máu đã về hết, trong căn phòng trải ga trắng toát chỉ còn lại những túi máu màu đo đỏ. Trong số ấy, có túi máu của anh bạn sinh viên Trường Điện lực, cũng như của biết bao nhiêu sinh viên đã từng cho máu nhiều lần như Tuấn. Những túi máu ấy, theo như bác sĩ Q. (Khoa Thu gom, Viện huyết học) có lượng hồng cầu rất ít, tỉ lệ nghịch với lượng huyết tương, đó còn gọi là máu loãng. Máu khỏe và máu tốt là loại máu của người cho lần đầu tiên, lượng hồng cầu còn nhiều, tỉ lệ huyết tương rất nhỏ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật