Nỗi lo của người mẹ dù chết vẫn quyết giữ thai

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mang thai lần đầu đến tháng thứ 6 thì chị Đặng Thị Hiền phát hiện tiền sản giật kèm theo suy thận. Bác sĩ nói phải mổ để cứu mẹ, nhưng người mẹ trẻ dù chết vẫn cố xin giữ thai bởi chị biết, đây sẽ là lần sinh nở duy nhất trong cuộc đời…
Nỗi lo của người mẹ dù chết vẫn quyết giữ thai
Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ phải theo dõi chặt tình trạng huyết áp của chị Hiền bởi tình trạng tiền sản giật gây nguy hiểm cho cả mẹ, con. Ảnh: H.Hải

“Đánh đu” giành mạng sống mẹ - con

Trước khi mang thai, chị Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi ở Đồng Tiến, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dù c‌ơ th‌ể gầy yếu chỉ được 35kg nhưng Hiền vẫn tự thấy mình khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ ngon và vẫn đi làm ruộng bình thường. Lấy chồng năm 2011, Hiền cũng mang thai ngay nhưng chỉ được 10 tuần thì thai chết lưu. Lần này mang bầu lại, cả hai gia đình nội ngoại đều mừng cho cô, bởi ở vùng nông thôn, 28 tuổi mới sinh con đầu lòng là quá muộn con.

Không bị nghén ngẩm, Hiền vẫn ăn uống, vẫn đi cày cấy như thường và khi thai được 6 tháng, Hiền lên được đến 7kg. Nhưng cũng ở thời điểm này, Hiền thấy chân bị phù to nên đi khám tại BV huyện rồi được chuyển ra tỉnh và chuyển ra bệnh viện phụ sản Trung ương.

Ngày 28/8 nhập viện Phụ sản Trung ương, Hiền được phát hiện bị tiền sản giật kèm theo suy thận, một bệnh lý rất nặng nề đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Ngay lập tức, thai phụ được chuyển vào khoa Sản 1 (Sản bệnh) theo dõi.

PGS.TS Trần Danh Cường, Trưởng khoa Sản 1, BV Phụ sản TƯ cho biết, tình trạng của thai phụ này rất nặng nề, nguy kịch cho tính mạng cả mẹ và con bởi thai phụ bị tiền sản giật khi tuổi thai còn quá nhỏ, mới 27 tuần. Trong khi ở thai phụ, tiền sản giật biến chứng có thể xảy ra trong một tích tắc, xử lý không đúng thời điểm thì chết cả mẹ lẫn con.

Hiền cũng cho biết, ngay khi vào viện, huyết áp của Hiền luôn cao vọt, bác sĩ cũng đã khuyến cáo bỏ thai để cứu mạng sống của mẹ, nhưng cô xin bác sĩ cho cô giữ lại, chấp nhận mạo hiểm cuộc sống của mình để thai thêm ngày nào hay ngày đó. “BS điều trị nói bệnh rất nặng, phải mổ cứu mẹ. Khuyên cứu lấy mẹ nhưng mình không đành lòng, nhất là khi bác sĩ nói gần như mình không còn cơ hội nào cho lần sinh sau nữa nên càng quyết tâm để lại giọt máu của mình trong cõi đời”, Hiền tâm sự.

PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, với tình trạng bệnh của thai phụ này mà giữ thai lại thực sự là một cuộc “đánh đu” giữa sống - chết. “Thế nhưng chúng tôi biết gần như chắc chắn đây là cơ hội mang thai lần cuối cùng của bệnh nhân nên chấp nhận sự mạo hiểm này để em bé già thêm ngày nào hay ngày đó. Và để đảm bảo điều này, chúng tôi luôn phải theo dõi sát, chặt để kiểm soát huyết áp mẹ, theo dõi nhịp tim của con bởi ở những bà mẹ bị tiền sản giật, thai thường bị suy và mất tim thai bất cứ lúc nào”, PGS.TS Cường nói.

Để giữ thai, thai phụ đã được áp dụng phác đồ điều trị hiện đại trên thế giới, như truyền thuốc huyết áp. “Với thai chưa đủ tháng không khống chế được huyết áp cực kỳ nguy hiểm cho mẹ. huyết áp tăng vọt có thể không chế được gây tai biến cho bà mẹ bất cứ lúc nào”, TS Cường nói.
PGS.TS Trần Danh Cường đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: H.Hải

Và thực tế, việc điều trị tiền sản giật cho bệnh nhân này, các bác sĩ đã phải dùng hai từ “kỳ tích”. “Bình thường với bệnh nhân tiền sản giật điều trị kéo dài tối đa là 1 tuần, nhưng cuối cùng, bệnh nhân này đã kéo dài được 2 tuần điều trị, để em bé thêm được 2 tuần nữa trong bụng mẹ. Dù em bé 29 tuần cơ hội sống 50 - 50, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện mục tiêu cứu mẹ, cứu bé - đứa con đầu cũng là đứa con cuối mà sản phụ có được”, TS Cường nói.

Và chiều ngày 11/9, tim thai chậm dần, có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Trước đó, trong quá trình nằm viện bác sĩ cũng đã tiêm thuốc trợ phổi kíc‌h thí‌ch phổi bé phát triển sớm. Khi sinh, bé nặng 800gram và được chuyển ngay xuống khoa sơ sinh nuôi trong lồng kính.

Cầu mong một phép màu!

Sau sinh 5 ngày, bệnh nhân Đặng Thị Hiền được xuất viện. Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó của gia đình bệnh nhân không có tiền thuê phòng trọ, khoa sản bệnh vẫn tạm thời bố trí một giường ngoài hành lang cho Hiền tiện vào thăm nom con. Nhưng lâu dài, chắc chắn Hiền cũng phải ra ngoài thuê phòng trọ.

Em bé có cái tên rất đẹp Lê Thị Tường Vi hiện vẫn đang được chăm sóc tại khoa sơ sinh, trong tình trạng sức khỏe rất yếu bác sĩ chưa thể đưa ra tiên lượng gì. “Từ hôm sinh con, em mới nhìn thấy con qua lồng kính. Con nhỏ lắm, như con mèo mướp nằm thoi thóp thở. Cầu mong em bé có thể sống được, được ôm con vào lòng, được cho con bú, khổ cực mấy em cũng chịu được”, Hiền bật khóc.

“Biết vợ bệnh nặng, có thể chết cả hai mẹ - con bất cứ lúc nào. Biết con đã được mổ lấy thai nuôi trong lồng kính nhưng cha nó vẫn chưa thể ra thăm vì còn phải làm thuê, làm phụ hồ dành dụm từng đồng gửi ra cho vợ. Khi thì 500, khi thì 1 triệu, trong cả quá trình điều trị gần tháng trời rồi, chắc con cực lắm mới lo được số tiền đó”, bà Nguyễn Thị Thẩm (62 tuổi, mẹ chồng Hiền) chia sẻ.

Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Hiền rất khó khăn. Cả hai vợ chồng ở cùng ông bà nội, làm chung với ông bà mấy sào ruộng, thời gian rảnh thì đi làm thuê, làm mướn nhưng cũng chỉ đủ ăn. Để giữ được thai, hai gia đình nội - ngoại đã phải cùng chạy vạy, vay mượn (được gần 30 triệu đồng) cho Hiền đi chữa trị. Thương cảm hoàn cảnh nghèo khó của bệnh nhân, trong quá trình điều trị, trưởng khoa Sản 1 cũng đã giúp đỡ Hiền 1 triệu và một người bạn của khoa cũng đã giúp đỡ chị Hiền 2 triệu.

Trước tình trạng của con, Hiền nức nở: “Còn nước thì còn tát, cực khổ mấy em cũng chịu, chỉ mong con được sống. Nhưng giờ gia đình cũng chưa biết tính sao, vì em bé vẫn đang yếu vậy, không dám nghĩ xa chỉ mong lo được ngày nào lo ngày đó. Con là cơ hội cuối cùng của cuộc đời em, cầu mong ông trời để con được sống...”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật