Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội thời gian gần đây liên tục tăng mạnh, nhiều nơi tăng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng thực tế để bán được lại không hề dễ dàng, do thị trường có dấu hiệu "sốt" ảo.
Chị Trần Thị Hải Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) kể, năm 2019, vợ chồng chị mua 1 căn hộ chung cư 80m2 với giá 2,5 tỷ đồng. Sau 5 năm sinh sống, gia đình chị muốn chuyển sang một căn nhà mặt đất để có không gian thoải mái, rộng rãi hơn. Nhu cầu này lại đúng thời điểm giá chung cư liên tục tăng mạnh khiến vợ chồng chị rất vui mừng.
" Tôi theo dõi trong group chung cư thấy giá nhà tăng cao quá, căn hộ của tôi hiện gần 5 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm mua. Chính vì thế hai vợ chồng bàn nhau bán gấp nhà đi, rồi mua căn nhà mặt đất, nếu thiếu thì vay ngân hàng. Không tranh thủ bán nhanh, giá chung cư có thể hạ nhiệt thì dễ mất khoản hời ", chị Hải Anh nói.
Nghĩ là làm, hai vợ chồng chị đã nhờ môi giới rao bán căn hộ của mình với hy vọng bán xong sớm và được giá như trên thị trường. Trong lúc chờ bán nhà, chị Hải Anh cũng khẩn trương tìm nhà mới. Sau hơn 1 tháng tìm nhà, chị đã cọc số tiền 200 triệu đồng cho 1 căn nhà 4 tầng 40m2 trong ngõ ở khu Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với giá hơn 6 tỷ đồng.
" Nếu bán căn chung cư được 5 tỷ như dự định, vợ chồng tôi chỉ phải vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng, trong khi được chuyển xuống mặt đất ở, nhà có sẵn 3 phòng ngủ rộng rãi, cả nhà có thể ở thoải mái ", chị Hải Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, điều khiến chị Hải Anh lo lắng nhất là dù đã rao bán căn hộ chung cư với giá rẻ hơn thị trường 300 triệu đồng nhưng sau cả tháng trời, căn hộ của chị vẫn chưa có khách chốt.
" Lúc mới rao bán còn có môi giới dẫn khách đến xem nhưng càng ngày càng ít và hiện giờ là im ắng hẳn. Do quá sốt ruột, tôi đã giảm thêm 200 triệu đồng nữa để bán nhanh căn hộ cũ. Nhưng 1,5 tháng trôi qua, căn hộ của tôi vẫn ế. Tôi thật sự bất ngờ vì theo thông tin tôi nắm được thì thị trường đang rất sốt, chung cư rất nóng. Vậy mà giá những căn tương tự nhà tôi trong group môi giới toàn đăng bán 5,3 - 5,5 tỷ đồng, còn nhà tôi rao 4,8 tỷ đồng mãi vẫn không có khách mua. Hóa ra tất cả thông tin về thị trường chỉ là ảo, là chiêu tung hỏa mù mà thôi ", chị Hải Anh nghi vấn.
Nhà cũ chưa bán được, trong khi căn nhà mới sắp đến hạn phải nộp tiền, chị Hải Anh lo lắng khi phải đứng trước 2 lựa chọn: hoặc vay ngân hàng gần 6 tỷ đồng để mua căn nhà mới, hoặc bỏ cọc 200 triệu đồng.
" Nếu vay ngân hàng thì số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng quá lớn, vợ chồng tôi không thể gánh nổi. Vì vậy, nguy cơ cao là chúng tôi đành mất 200 triệu đồng tiền cọc căn nhà mới, chờ khi bán được nhà cũ rồi tính sau ", chị Hải Anh nói.
Cũng giống chị Hải Anh, anh Lê Văn Lâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khắp nơi nói giá nhà tăng cao nhưng thực tế tôi cho rằng đó là tăng ảo. Giá nhà có tăng nhưng không tăng đến mức như môi giới nói.
Dẫn chứng cụ thể, anh Lâm cho biết, anh có 1 căn chung cư 90m2 trên đường Minh Khai, theo thông tin môi giới rao trên thị trường thì căn hộ của anh giá khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh rao bán 6,5 tỷ đồng nhiều tháng nay vẫn không có người mua.
Anh Lâm định đầu tư quán cafe tại quận Đống Đa nhưng số tiền đầu tư lên tới gần 2 tỷ đồng nên anh muốn nhà để lấy tiền đầu tư. Nghĩ giá nhà đang cao, anh bán rẻ hơn thì chắc sẽ "trôi" nhanh, nên anh không ngần ngại đặt cọc 100 triệu tiền thuê mặt bằng, thời gian cọc là 2 tháng.
Tuy nhiên, hết 2 tháng, căn hộ của anh vẫn không bán được, vì vậy, anh đành ngậm ngùi mất tiền cọc quán cà phê, chờ bán được căn hộ sẽ tính tiếp. " Tôi cứ nghĩ bán rẻ thì sẽ chốt nhanh. Nhưng thị trường giờ toàn thông tin ảo nên dù tôi rao rẻ hơn vẫn không bán được ", anh Lâm cho hay.
Nhận xét về thị trường căn hộ hiện nay, ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty EZ Property nói: " Nhiều năm tham gia thị trường bất động sản, chưa bao giờ tôi thấy giá chung cư, nhất là ở Hà Nội giá "ảo" như bây giờ. Chỉ hơn nửa năm, 1 căn hộ cuối năm 2023 tôi hỏi có giá khoảng 2,3 tỷ thì nay thậm chí đã tăng lên tới gần 3 tỷ đồng ".
Theo ông Toản, việc tăng giá nhà là kết quả của nhiều yếu tố hội tụ cùng một thời điểm, đặc biệt là tâm lý người dân. Những năm 2019 - 2020 về trước, tâm lý người dân đổ vào nhà mặt đất, nhà liền kề để có được sự riêng tư, tự do nên thị trường chung cư thời điểm đó khá ảm đạm. Nhưng vào thời điểm hiện tại, khi mô hình nhà ở chung cư mang nhưng tiện ích, hệ sinh thái hiện đại hơn, phong phú hơn thì nhu cầu người dân đổ vào phân khúc chung cư ồ ạt.
Ngoài tâm lý thay đổi chỗ ở thì còn tâm lý "hám lời". Người dân "ôm" đất để tiếp tục chờ giá cao hơn nữa để ăn chênh. Điều này cũng góp phần khiến giá nhà đất, giá nhà chung cư "ngáo" đến bất ngờ.
Lý giải về hiện tượng giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, qua tổng hợp, phân tích thấy rằng, nguồn cung bất động sản và chi phí xây dựng đầu vào chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua.
Việc giá bất động sản tăng cao còn do hiện tượng "tạo giá ảo", "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.
Theo ông Dũng, những người này là cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết Pháp Luật hạn chế dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường. Điều đó gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.