Hãng thông tấn Keystone-SDA cho hay, quan hệ giữa các nhà khoa học Nga với CERN theo những thỏa thuận khác vẫn sẽ được duy trì.
Trước đó, nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine từ năm 2022, 24 quốc gia thành viên của CERN đã quyết định chấm dứt hợp tác với các viện nghiên cứu của Nga.
CERN, thành lập từ năm 1954, là một cơ sở nghiên cứu vật lý cơ bản và nằm ở khu vực biên giới giữa Thụy Sỹ với Pháp, trong đó có nghiên cứu về cấu trúc vật chất với sự trợ giúp của các máy gia tốc hạt lớn. CERN cũng là nơi khai sinh ra World Wide Web.
CERN là trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, có khoảng 3.000 nhân viên và ngân sách hàng năm là 1,3 tỷ Franc (1,28 tỷ USD), cùng với khoảng 17.000 nhà khoa học khách mời từ 110 quốc gia làm việc trong các phòng thí nghiệm.
Hiện nay, trong mạng lưới nhà khoa học của CERN có khoảng 350 người có liên kết với các viện nghiên cứu của Nga và hầu hết trong số họ không sống ở thành phố Geneva, Thụy Sỹ.
Với việc chấm dứt hợp tác, sự vắng mặt của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu ở Nga sẽ tác động đến hoạt động nghiên cứu, nhưng CERN sẽ xử lý vấn đề này. Xét cho cùng, Nga chưa bao giờ là một quốc gia thành viên của CERN, mà chỉ có tư cách đặc biệt là một quốc gia quan sát. Số lượng các nhà khoa học từ Belarus tại CERN cũng không nhiều.