PV: Thưa Trung tướng Lê Quang Đạo, ngày 28-11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Là đại biểu Quốc hội đang công tác trong Quân đội, đồng chí đánh giá như thế nào về luật đang được cử tri trong và ngoài Quân đội rất trông chờ này?
Đồng chí Lê Quang Đạo bên hành lang Quốc hội.
Trung tướng Lê Quang Đạo: Sáng 28-11, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, 458/459 đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này thể hiện sự ủng hộ rất lớn của Quốc hội cũng như sự quan tâm, tình cảm của đại biểu Quốc hội dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam; sự ủng hộ của Quốc hội với các đạo luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.
Tôi đánh giá rất cao nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Luật đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
Có thể nói rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn xây dựng, phát triển của Quân đội ta trong bối cảnh hiện nay; phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm mới của Đảng ta về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được ban hành đã bảo đảm tính tương thích với các đạo luật khác mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong thời gian qua để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới; tương thích với chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước ta đối với Quân đội nói riêng cũng như lực lượng vũ trang nói chung, đồng thời đảm bảo tính tương thích với các chính sách xã hội khác.
Đồng thời, có thể thấy, luật đã bảo đảm giữ vững được sự ổn định, tăng cường sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta, nhất là trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bình yên cho nhân dân và giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
PV: Thưa đồng chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có một nội dung được rất chờ đợi, đó là quy định nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Theo đồng chí, quy định như vậy đã đáp ứng được sự hài hòa giữa kỳ vọng của sĩ quan, người nhà sĩ quan với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới như thế nào?
Trung tướng Lê Quang Đạo: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bởi vì, Quân đội ta là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân.
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những hành lang pháp lý quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đây là đạo luật liên quan trực tiếp tới đối tượng lao động đặc thù - những người đang ngày đêm trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp Luật của Nhà nước, đường lối quân sự, ngoại giao quân sự và chủ trương, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Do vậy, toàn quân cũng như cử tri, nhân dân đều rất quan tâm, theo dõi và chờ đợi những chính sách được ban hành khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc Quốc hội quyết định nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan cấp úy, cấp tá và nữ sĩ quan cấp tướng có ý nghĩa rất quan trọng. Điều đó vừa giúp bảo đảm để sĩ quan có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động; vừa giúp chúng ta tận dụng được kinh nghiệm, trí tuệ của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là trong việc xây dựng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Như vậy, quy định này vừa đáp ứng được sự kỳ vọng, trông đợi của sĩ quan và người thân của họ, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
PV: Với tình cảm và sự quan tâm rất đặc biệt của cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, nhiều đại biểu Quốc hội chuyển tải ý kiến cử tri đề nghị nâng cao hơn nữa hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan trong Quân đội. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này thế nào?
Trung tướng Lê Quang Đạo: Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu thấu đáo vấn đề này và nhận được sự đồng thuận của cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Độ tuổi phục vụ tại ngũ như trong luật đã được thông qua đã bảo đảm hài hòa được các yêu cầu, như trên tôi đã phân tích.
Đặc thù của sĩ quan Quân đội là thường xuyên công tác, chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất trong điều kiện đặc thù của đặc thù. Cụ thể là phải công tác, chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; thường xuyên tiếp xúc với vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự; cường độ huấn luyện rất cao. Điều đó đòi hỏi bên cạnh kinh nghiệm, kỹ năng, trí tuệ, kiến thức chuyên môn, sĩ quan còn phải có sức khỏe đủ tốt, đủ dẻo dai thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Ví dụ, một sĩ quan cấp tá Bộ đội Biên phòng nếu cứ đến 60 tuổi mới nghỉ hưu thì không thể đủ sức để đi tuần tra suốt ngày đêm trên tuyến biên giới được. Sĩ quan không quân, hải quân, cảnh sát biển, đặc công, hay bất kỳ các quân, binh chủng nào khác cũng vậy, kể cả lực lượng sĩ quan phục vụ trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, các Đoàn Kinh tế-Quốc phòng, sức khỏe và độ dẻo dai là yêu cầu hàng đầu.
Do vậy, độ tuổi phục vụ tại ngũ như quy định tại luật vừa được Quốc hội thông qua vừa bảo đảm tính khoa học, vừa đáp ứng được kỳ vọng của sĩ quan và người thân của họ, vừa bảo đảm được yêu cầu trong xây dựng Quân đội.
PV: Là đại biểu Quốc hội đang công tác trong Quân đội, đồng chí kỳ vọng như thế nào về sự tác động của những chính sách mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi luật này có hiệu lực, được áp dụng trong thực tiễn?
Trung tướng Lê Quang Đạo: Tôi tin rằng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Quân đội tiếp tục có thêm một hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
Chắc chắn, các chính sách mới được ban hành sẽ được toàn quân phấn khởi đón nhận, trở thành nguồn cổ vũ, động viên và động lực quan trọng khích lệ toàn quân tiếp tục nêu cao tinh thần sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì sự trường tồn của Đảng, dân tộc; vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân; vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và đóng góp tích cực, trách nhiệm hơn nữa vào nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới trong khuôn khổ hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như qua cơ chế hợp tác song phương, đa phương khác có liên quan.
Tôi cũng chắc chắn rằng, sau khi luật được thông qua, toàn quân sẽ có một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi luật, để mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân nắm và thực hiện các quy định mới một cách hiệu quả, thiết thực nhất.
Tôi cũng rất kỳ vọng sau khi luật có hiệu lực thi hành sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn hơn, giúp đội ngũ sĩ quan yên tâm, toàn tâm, toàn ý thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao!
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!