1. Tác phẩm văn học được coi là đứa con tinh thần của nhà văn. Ở đời, cha mẹ sinh con, loay hoay, nghĩ ngợi, công phu đặt tên cho đứa bé bao nhiêu thì nhà văn khi vật vã sáng tác cũng trăn trở tìm cái tên ưng ý nhất để đặt tên tác phẩm. Ngoài đời, trừ những người sống giản đơn, hoặc nhà khó, nhà hiếm con, hoặc kiêng kị gì đó mới tìm những cái tên xấu xí, để đặt tên cho con, còn lại đều tìm chữ nghĩa hợp với hoàn cảnh gia đình, hay những cái tên ghi dấu ấn kỉ niệm, cái tên với khát vọng đứa con thành đạt.
Vì thế, có những tên con gái mộc mạc, nôm na thật như đếm là: Hĩm, Gái, Bống, Cua, Ốc, Ổi, Bòng, Cam, Quýt, Mít, Thúng, Mủng, Giần, Sàng, Nong, Nia… và lót chữ Thị sau họ; cũng có cái tên sinh động, lung linh như: Sao Mai, Thúy Hạnh, Tố Lan, Minh Anh, Lan Anh, Quỳnh Hương, Hương Giang… Con trai thì có những tên nôm: Cu, Cò, Tèo, Tũn, Tĩn, Bờm, Cún, Beo, Sâu,… Nhưng cũng có những cái tên: Hùng, Dũng, Kiên, Cường, Quyết, Thắng… Có nhiều cô gái, chàng trai càng lớn càng không vui vì cái tên cha mẹ đặt cho, thậm chí phàn nàn, trách phụ huynh sao lại đặt tên con xấu thế? Rồi, tự đổi tên, hoặc nếu là người viết thì tìm cho mình một cái tên khác, một bút danh. Cho nên, rất nhiều ông bố bà mẹ mới sinh con đều trăn trở việc đặt tên cho "núm ruột" của mình. Nghĩ mãi không ra, thì ỉ lại ông nội, bà nội, hoặc cậy nhờ bạn bè.
Đặt tên tác phẩm - đứa con tinh thần của nhà văn cũng muôn hình vạn vẻ, kể mãi không hết. Đặt tên tác phẩm, với người này thì vô cùng quan trọng, và khó tính, với người kia thì thường thôi và dễ dãi, đôi khi viết xong nghĩ mãi không ra tên đành nhờ bạn văn đặt giúp hoặc phó mặc cho biên tập viên. Từ quan sát, chiêm nghiệm trong các tháng năm đeo đuổi nghề nghiệp, tôi thấy hầu như các tác giả đều vật vã, trăn trở khi đặt tên đứa con tinh thần của mình.
2. Trong "Phẩm cách văn chương", học giả - nhà văn Ki Ju Lee người Hàn Quốc chiêm nghiệm: "Có lẽ việc đặt tên cho một tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho một con người… Từng chữ được tác giả lấy tâm hồn và nước mắt làm mực, tận tụy viết ra trang giấy trắng với ước ao chạm đến trái tim người đọc".
Đặt tên tác phẩm không chỉ đi đến mục đích hoàn chỉnh sáng tác của mình mà còn nhắm tới chinh phục trái tim bạn đọc. Bạn đọc mới cầm quyển sách, nhìn bìa và đọc tên tác phẩm là đã muốn mua để đọc, hay buông bỏ? Tác giả luôn mong muốn tên tác phẩm phải phù hợp, chứa đựng được tinh thần, hoặc khái quát nội dung tác phẩm, nhưng gói gọn vào mấy chữ của nhan đề thì cực khó. Tìm chữ đặt tên diễn đạt được biểu tượng tác phẩm cũng là một cách, nhưng việc này cũng quá khó. Cho nên có người khôn ngoan luôn tìm một câu ngắn, một cụm từ, hay vài chữ đang "lấp lánh" tỏa sáng trong tác phẩm mà đặt tên. Cũng có người chú ý đến tính gợi cảm, hay ẩn dụ mà tìm tên tác phẩm. Đôi khi, có tác giả đặt tên tác phẩm nhằm kích thích tính tò mò, hay mời gọi bạn đọc…
Sơ lược, có một số cách đặt tên tác phẩm là: Nhà văn lấy nhân vật chính, nhân vật trung tâm làm tên tác phẩm là cách làm từ xa xưa, nhưng đến nay cách đặt tên tác phẩm này vẫn diễn ra không ngưng nghỉ. Xa lắc xa lơ là William Shakespeare, hầu như tên tác phẩm của ông được đặt theo tên nhân vật: "Hamlet", "Macbeth", "Othello", "Romeo và Juliet", "Vua King Lear". Xa xôi vài thế kỉ là "Bà Bovary" của Flaubert, "Eugenie Grandet" của Honore de Balzac, "Anna Karenina" của Lev Tolstoy,… Ở Việt Nam là "Kiều" của Nguyễn Du. "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách; "Chí Phèo", "Lão Hạc" của Nam Cao, phim "Chị Tư Hậu" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam chuyển thế từ tác phẩm "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Bùi Đức Ái, "Bác Trượng" của Lê Ngọc Minh, "Tìm" của Nguyễn Danh Lam…
Nhà văn lấy thời gian đặt tên cho tác phẩm: "Trăm năm cô đơn" của Gabriel Marquez, "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng, "Mười lăm năm mưa xói" của Trần Đức Tiến, "Cuộc đời dài lắm" của Chu Lai…
Nhà văn lấy không gian đặt tên cho tác phẩm: "Phía Tây không có gì lạ" của Erich Maria Remarque, "Núi đồi và thảo nguyên" của Chingiz Aitmatov, "Bình minh mưa" của K. Paustovsky, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, "Rừng U Minh" của Trần Hiếu Minh… Lấy một không gian cụ thể để đặt tên tác phẩm: "Xóm Bàu Láng" của Sơn Nam, "Phiên chợ Giát" của Nguyễn Minh Châu, "Người ở bến sông Châu" của Sương Nguyệt Minh, "Chuyện ở bản Pi Át" của Vũ Xuân Tửu… Cũng có nhà văn dựa vào khí hậu, thời tiết mà đặt tên tác phẩm: "Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam "Mùa gió chướng" của Nguyễn Quang Sáng…
Lấy địa lý đặt tên: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" của đạo diễn Hải Ninh, "Trên vĩ tuyến 17" của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ, "Đất Quảng" của Nguyên Ngọc, "Sóng Côn Đảo", "Sông Mê Kông bốn mặt" của Anh Ngọc.
Nhà văn đặt tên gây tò mò, khám phá có phần nào gây sốc: Vũ Trọng Phụng có: "Kĩ nghệ lấy Tây", "Làm đĩ"; còn "SBC là săn bắt chuột" của Hồ Anh Thái, "Sát thủ online" của Nguyễn Xuân Thủy,…
Nhà văn đặt tên tác phẩm gây ấn tượng, gợi cảm: Marcel Proust với "Đi tìm thời gian đã mất", Albert Camus có "dịch hạch", "Người xa lạ"; Margaret Mitchell có "Cuốn theo chiều gió"; Ernnest Hemingway có "Chuông nguyện hồn ai", Jack London có "Tiếng gọi nơi hoang dã"; O. Henry có "Chiếc lá cuối cùng"; Trương Hiền Lượng đặt tên tiểu thuyết của mình là "Nửa đàn ông là đàn bà"; Giả Bình Ao có "Phế đô"… Ở Việt Nam Ma Văn Kháng với "Mùa lá rụng trong vườn", Lê Lựu "Thời xa vắng", Dương Hướng với "Bến không chồng",…
Nhà thơ Thế Lữ rất nối tiếng với bài thơ có cái tên ám ảnh, và gợi… "Nhớ rừng", nhưng ông lại đặt tên tập thơ của mình rất số học, thậm chí hơi nôm na "Mấy vần thơ". Nguyễn Quang Thiều có những tên tác phẩm giàu hình ảnh, rất thơ như: "Những người đàn bà gánh nước sông", "Mùa hoa cải bên sông", "Nhịp điệu châu thổ mới", "Tiếng gọi cuối mùa đông", nhưng ông cũng có những tác phẩm mang tên rất Hình Sự: "Kẻ ám sát cánh đồng", "Lò mổ". Nhà văn Hồ Anh Thái có những tên tác phẩm rất trữ tình: "Người và xe chạy dưới ánh trăng", "Trong sương hồng hiện ra", "Tiếng thở dài qua rừng kim tước", nhưng lại có cái tên tác phẩm như tên phim hành động: "SBC là săn bắt chuột", "Cả một dây theo nhau đi". Nguyễn Huy Thiệp đặt tên rất gợi và da diết "Chảy đi sông ơi", nhưng lại có cái tên truyện ngắn rất nôm na là "Chuyện ông Móng".
Trong các tác phẩm lấy màu sắc ghép thành tên, thì màu đỏ có vẻ như được nhiều nhà văn sử dụng để đặt tên nhất? "Cao lương đỏ", "Rừng xanh lá đỏ" của nhà văn được Giải thưởng Nobel Mạc Ngôn; "Tên tôi là đỏ" cũng là của một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đạt Giải thưởng Nobel là Orhan Pamuk; tiểu thuyết "Rồng đỏ" của nhà văn người Mỹ Thomas Harris; rồi "Số đỏ" Vũ Trọng Phụng; "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi; "Hoa gạo đỏ" của Ma Văn Kháng; "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùng; "Màu hoa đỏ" của Nguyễn Đức Mậu; "Mưa đỏ" của Chu Lai; tiểu thuyết "Tuyết đỏ" của nhà văn trẻ Phan Đức Lộc… Màu đỏ quyến rũ cả dịch giả, đến mức tiểu thuyết "The Scarlet Letter" (“Bức Thư màu đỏ thắm” của nhà văn Nathaniel Hawthorne nổi tiếng người Mỹ xuất bản năm 1850, và bản dịch tiếng Việt là "Chữ A màu đỏ").
Về thủ pháp đặt tên tác phẩm, có người chỉ dùng một chữ cũng gây ấn tượng mạnh. Vũ Bằng có "Rươi", Xuân Quỳnh có "Sóng", Nguyễn Bình Phương có "Đi", "Ngồi", Trần Nhã Thụy có "Hát", Nguyễn Ngọc Tư có "Sông", có "Đảo", có "Trôi", Nguyễn Đình Tú có "Nháp", có "Kín"…
Có người chưa đẻ con đã chọn tên trước, chẳng hạn nếu đẻ con trai thì đặt tên là Chung, nếu đẻ con gái thì đặt tên là Thủy. Nhà văn cũng có người như thế, nhà văn Vũ Xuân Tửu bao giờ cũng đặt tên tác phẩm trước rồi mới viết. Ông nói với tôi: "Đặt tên tác phẩm trước, khi viết mới tập trung và bám vào cái định viết, sẽ không bị sa đà, tản mạn, dài dòng". Tuy nhiên, ông cũng phải công nhận rằng: "Đôi khi nội dung cốt truyện và nhân vật không tuân theo ý định bám theo chủ đề, cuối cùng phải đặt tên khác. Cũng có khi đặt tên tác phẩm rồi, mà cắm tăm chả viết được gì. Cái tên truyện cứ mãi mãi nằm trong dự định".
Tôi thì có tác phẩm đặt tên trước mới viết, cũng nhiều tác phẩm viết xong mới đặt tên. Viết xong rồi, nghĩ một cái tên phù hợp, hoặc khái quát được truyện, hay tìm một hình ảnh, một câu ngắn, một cụm từ nào đó vụt sáng trong tác phẩm đặt làm nhan đề.
Có nhiều trường hợp nhà văn được bạn nghề hoặc biên tập viên đặt giúp tên tác phẩm. Người khác đặt tên tác phẩm cho mình còn hay hơn mình đặt. Nhưng, cũng có chuyện dở khóc dở cười là biên tập viên đặt lại tên tác phẩm mà không trao đổi với tác giả, sách báo in ra rồi, thấy đứa con dứt ruột đẻ ra bằng cái tên lạ hoắc, và không hay không đẹp, chỉ còn biết cười như mếu.
Có tác phẩm qua nhiều lần đổi tên rồi "đứng lại", mà "Chí Phèo" của Nam Cao là một ví dụ. Lúc đầu ông đặt tên là "Cái lò gạch cũ" nhấn đậm hình ảnh không lối thoát và bi quan của người nông dân nghèo tha hóa, khi Nhà xuất bản Đời Mới in đổi thành "Đôi lứa xứng đôi" nhấn mạnh về mối tình anh Chí đâm thuê chém mướn với cô gái lỡ thì xấu ma chê quỷ hờn Thị Nở, và muốn cho ăn khách hơn nữa, còn mời nhà văn đang rất nổi tiếng Lê Văn Trương viết lời tựa. Đến khi in lại vào tập "Luống cày", Nam Cao lấy nhân vật chính của truyện đặt lại tên tác phẩm là “Chí Phèo”.
Tôi không cắt nghĩa được vì sao rất nhiều nhà thơ đặt tên tác phẩm của mình là… "Không đề", "Vô đề". Đã có "Vô đề" rồi, lại còn "Vô đề 1", "Vô đề 2"…, thậm chí "Vô đề 9", "Vô đề 10". Có người chê người làm thơ lười nhác, không chịu đặt nhan đề. Tôi lại nghĩ: đọc các bài thơ "Không đề’ thì rõ là thơ có nội dung, có thể đặt tên bài thơ dễ dàng. Vì sao tác giả không đặt tên bài thơ, hẳn có lý do? Thuở bình minh của thơ ca, người ta làm thơ không đặt tên, phải chăng các tác giả này muốn sống lại với tiền nhân? Muốn người đọc cùng nghĩ ngợi, cùng sáng tạo chăng?
Quả là muôn sự đặt tên tác phẩm.