Đưa tách trà nóng xuống ngang cằm, ông nhìn sang phòng trọ của Tú rồi nói vọng:
- Sáng nay chạy sớm dữ hén, chúc chú em thuận buồm xuôi gió, ra ngõ nổ ngay cuốc xe trúng khách sộp.
Không trả lời ngay vì sợ hai đứa con thức giấc, Tú nhè nhẹ dắt xe máy, lách qua cửa phòng nhỏ hẹp. Khi đã an vị chiếc xe ngoài hành lang chung của xóm trọ, anh tiến tới chỗ ông Toàn ngồi xin ké một tách trà cho ấm bụng rồi nói:
- Thế thời phải thế thôi thầy ơi.
Không thêm lời, ông giáo Toàn hài lòng với câu trả lời của anh. Vì ở nơi này, người đối đáp, bàn chuyện văn chương coi được với ông chỉ có Tú.
Nguyên văn lời đáp trên nằm trong vế đối của danh sĩ Ngô Thì Nhậm:
“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” đối “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”, đâu phải ai ở xóm trọ này cũng biết để mà lẩy ra như ông vừa nghe.
Hôm nay là ngày đầu tiên Tú khoác lên mình bộ đồng phục xe ôm công nghệ. Trước tuổi 38, đôi lúc suy nghĩ vẩn vơ về cuộc đời, anh chưa hề nghĩ mình có lúc phải bôn ba ngoài đường để kiếm sống.
Vốn ham học nhưng cái nghèo tạo thành vòng luẩn quẩn của gia đình có ba anh chị em, mà may sao, là con út nên anh được tía má cho ăn học, tạm gọi là đến nơi đến chốn.
Lúc thi đại học, chỉ còn nửa điểm là đậu vào Sư phạm nhưng ở bước ngoặt cuộc đời, không phẩy năm điểm tưởng chừng nhỏ bé nhưng hóa lớn lao, đẩy anh vào một dòng đời khác: Trở thành công nhân may năm 18 tuổi.
Suốt hai mươi năm ròng, ca sáng rồi ca đêm, tăng ca rồi nghỉ việc, đổi công ty, chưa bao giờ anh ngơi nghỉ. Làm công nhân cắm mặt vào máy may, có đồng lương ổn định gửi về nhà nhưng thời thanh niên không có cơ hội yêu đương nhiều.
Bởi mỗi ngày, sau giờ tan ca, ai cũng muốn lao về phòng trọ tắm rửa, kiếm chút thức ăn bỏ vào bụng rồi ngủ lấy sức. May sao có Thủy, cô gái quê miền Trung với chất giọng đặc sệt, làm khác chuyền trong cùng nhà máy, thuê phòng kế bên để ý tới anh.
Cả hai quá tuổi cập kê mới hẹn hò. Tình yêu ở tuổi này không nhiệt cháy như thuở mười tám đôi mươi nhưng xác định cưới nên chỉ biết lấy chân thành làm nền tảng.
Dừng xe ngay vỉa hè cạnh tòa nhà văn phòng chờ khách, Tú nhớ như in sáng hôm anh mất việc. Tổ trưởng gọi anh và vài đồng nghiệp nữa tập hợp để nghe thông báo. Ông giám đốc người nước ngoài ủ rũ nói trước, người phiên dịch nói sau: Đơn hàng giảm, để bảo toàn vốn và cắt giảm chi phí, công ty buộc lòng cho thôi việc, trong đó có Tú.
Dù đã nghe phong thanh thông tin này từ mấy hôm trước, nhưng nay nghe thông báo chính thức, anh đứng như trời trồng. Với loạt câu hỏi trong đầu, đường từ công ty về nhà trọ là một quãng đường xa như từ Sài Gòn về quê vợ mỗi dịp Tết.
Đến nhà, Thủy, vợ anh đã biết nên an ủi: Thua keo này, bày keo khác. Nếu tan nát quá thì kiếm gì đó làm lại từ đầu. Ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ. Huống gì em vẫn còn việc, còn cầm cự được.
Nghe vợ an ủi, lòng Tú có dịu đi phần nào, nhưng với trách nhiệm của ông chủ gia đình nhỏ, của những đứa con mỗi ngày vẫn vác cặp sách đến trường, Tú phải giải quyết ngay bài toán tài chính cho gia đình: Phải lao vào kiếm việc gì đó làm, có đồng ra đồng vô trong lúc tìm việc mới.
May sao ở đây, giữa chốn này còn có ông giáo Toàn, một giáo viên dạy Văn về hưu, không vợ, không con, không nhà cửa, người hay đối đáp nghiền ngẫm sự đời với Tú mỗi lúc rỗi. Ông nói, thời buổi công nghệ, xanh xanh đỏ đỏ, bóc ngắn cắn dài. Trong lúc Thủy còn ngơ ngác thì chỉ có mình Tú hiểu. Đương lúc tìm việc khó khăn, nằm chờ việc chi bằng đăng ký chạy xe ôm công nghệ để phụ tiền với vợ. Nói là làm, vậy nên mới có hôm nay là ngày làm xế ôm đầu tiên của Tú.
Cắt ngang dòng hồi tưởng miên man đó là tiếng kêu từ chiếc điện thoại, nổ cuốc rồi. Tú về nhà lúc trời tối mịt, hôm nay ngày đầu tiên, khách nào cũng boa tiền rồi giá năm sao, sau khi trừ chi phí, anh cầm về hơn 250 nghìn tiền tươi thóc thật.
Nếu cuộc sống là một chuỗi ngày buồn vui nối tiếp, đến lúc người ta đi qua bên kia sườn dốc cuộc đời, thì Tú thấy đời mình tính tới thời điểm bây giờ như một vở bi hài kịch đan xen nhau. Vốn đam mê sách vở văn chương, tuổi 18, thay vì tiếp tục cầm bút ở giảng đường rồi bốn năm sau cầm phấn viết bảng, thì anh đã cầm cây kéo, mũi kim trong xưởng.
Hồi đó, thấy anh cầm mấy quyển sách cũ về nhà trọ, bạn bè xóm trọ kháo nhau: “Học cho lắm, tắm ở truּồng”, đi làm công nhân rồi mà còn mơ mộng sách vở làm gì. Tú thì nghĩ khác, cuộc sống công xưởng ai nấy làm việc như một cái máy, khô khan lắm, không nhờ sách vở tưới mát, thì chỉ còn biết đâm đầu vào số đề, đá gà, đua xe ăn nhậu rồi nợ nần cờ bạc như bao người khác.
Tú thầm nhủ, thiên hạ có ba bồ chữ nghĩa, “Thánh Quát” nói ổng giữ hết hai bồ, thì thôi, nhờ chồng sách cũ, đời anh cố ăn mày được một phần mười của bồ chữ còn lại, vậy cũng là quý lắm rồi. Chớ còn sao nữa, nhờ vậy mà anh mới có vốn liếng đủ sức nói chuyện, luận đàm với ông giáo Toàn về hưu. Nói với nhau đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, mấy chuyện xa lắc hồi năm nào cũng đem ra bàn, “trong sách nói vầy nè, vầy nè”.
Đưa hết tiền lời ngày chạy xe ôm đầu tiên cho vợ, nhưng vẫn bị kêu hụt tiền chi tiêu tháng này, Tú chợt ôm đầu rồi bỏ lên gác nằm. Sau giờ cơm tối, ông giáo Toàn sang gõ cửa, kêu Tú đi uống trà. Ông già ngặt quá, buổi tối mà rủ uống trà rồi sao lát nữa đi ngủ, sáng mai sao dậy nổi mà chạy mấy cuốc xe, anh nghĩ thầm.
- Tú nè, mày có nghĩ học vấn làm thay đổi cuộc đời người ta hông?
Ông Toàn cất tiếng hỏi, sau khi với tay rót trà vào tách rồi đẩy sang phía anh.
Câu hỏi như chạm vào chỗ ngứa bấy lâu nay, anh trả lời ngay:
- Có chớ thầy, như con nè, nếu ngày xưa chịu khó ôn lại, năm sau nhất định con sẽ thi đậu, rồi bây giờ ung dung làm một anh thầy giáo hoặc một anh công chức nào đó, chớ đâu phải mang ách một vợ hai con, bôn ba đủ nghề, bây giờ vác mặt ra đường phơi mỗi ngày như bây giờ.
- Ủa, chớ sao hồi đó mày không thi lại, có ai cấm cản gì mày đâu?
- Nhà con nghèo lắm thầy ơi, dưới còn mấy đứa em nữa, số mình thi rớt thì phải lao ra đường kiếm cơm ngay, nhường lại cơ hội cho mấy đứa em, rồi còn phụ tía má ở nhà nuôi tụi nó nữa. Còn thầy thì sao?
- Nếu nói về tao thì suy nghĩ lúc nãy của mày trật lất hết rồi đó con. Hồi xưa tao học cao lắm, mê văn chương chữ nghĩa, rồi làm một anh thầy giáo thẩn thẩn thơ thơ, không tán đổ được ai vì cô nào cũng nghĩ tao hâm, nên giờ vầy nè; không nhà không cửa, không gì hết, gần xuống lỗ rồi mà còn kiếp ở thuê đây nè.
Ông giáo già và Tú thở dài. Một cơn gió đi ngang qua khiến vài chiếc lá sa kê rơi xuống khoảng sân.
- Chữ đầy lá mít hay lá khoai môn thì cũng vậy à. Cuộc đời có nhiều thứ trói buộc con người ta, mà nhất là hoàn cảnh, ông Toàn nói thêm.
- Dạ, thầy nói thì con nghe, nghe xong vỡ lẽ. Đọc báo thấy mấy tay nhà giàu, giàu gì mà dữ thần, giàu từ đời cha sang đời con, sang đời cháu. Bởi vậy, ai nói “giàu ba họ, khó ba đời” là xạo, người giàu họ muốn ru ngủ người đời thôi phải không thầy?
- Tú nè, hoàn cảnh có thể xô đẩy con người ta vào những góc kẹt của cuộc đời, nhưng mình không được nhìn đời với cái nhìn tiêu cực.
- Vậy tích cực sao thầy? Chứ kiểu này, con sợ không lo nổi cho hai đứa con, bất quá, phải cho tụi nó nghỉ học thôi thầy.
- Chớ mày không nghĩ, mày vừa nghèo vừa xấu, vậy tại sao con Thủy chịu lấy mày. Nếu nghĩ nó ế nên hốt đại, thì rõ ràng là tiêu cực. Còn nếu mình nghĩ khác, như kiểu người nào cũng được ông trời chiếu cố cho một hạnh phúc riêng, thì mình phải trân trọng, lấy đó làm niềm vui mà sống chớ.
Tú gật gù. Không đợi anh lên tiếng, ông nói tiếp:
- Mà nhất là, mày đang có hai đứa con nè. Tụi nó là đốm sáng trong cuộc đời của hai vợ chồng. Mày ít ra còn ngấp nghé vào ngưỡng cửa đại học. Nhưng tao thấy tụi nó còn le lói quá, nếu hai vợ chồng không cố gắng, là nó tắt lụi luôn, rồi lúc đó, cuộc đời của tụi nó lại xoay vào cái vòng lẩn quẩn mà cha mẹ tụi nó đã đi qua.
Tú chợt giật mình: Thôi đúng rồi, hai đứa con mình, từ đẻ ra tới giờ, mỗi năm về quê chạy nhảy thỏa thích được mỗi dịp Tết. Còn thường ngày quẩn quanh trong cái tổ chục mét vuông. Vợ chồng cố gắng lắm mới cho con đi học. Bây giờ cha thất nghiệp, mẹ làm lay lắt. Bi đát quá thì con bỏ học…
Cắt ngang dòng suy nghĩ trong đầu Tú, ông giáo già lên tiếng:
- Tao thấy rồi Tú ơi, xóm trọ mình có mỗi hai đứa con mày ăn học tử tế, tới giờ phút này. Rồi nhìn xem một vòng đi, cặp vợ chồng nào vợ chồng nấy có con, ở cái xóm này cũng đều cho đi học kiếm được ít chữ, chưa kịp thạo đánh vần là cho nghỉ hết. Rồi tụi nó sẽ đi về đâu? Có phải đang lao ra biển giữa đêm đen, tự dò đường mà đi trong mịt mùng, mãi mà không thấy một ngọn hải đăng nào giữa bến bờ dẫn hướng hay không?
- Hồi xưa, con suýt trở thành ngọn đèn cho gia đình mình, nhưng đành để cơn gió hoàn cảnh thổi tắt mất, Tú thở dài tiếp lời ông Toàn.
- Vậy thì bây giờ mày không được phép để cho hai đốm sáng nhỏ trong cái nhà của mày tắt. Bằng mọi cách, gió to phải che chắn, leo lét thì phải châm thêm dầu cho nó cháy tỏ. Ban đầu lửa nhỏ, rồi sau này lửa to, lửa to thì tỏa ra nhiều ánh sáng, thắp bừng lên cả gian phòng.
- Con hiểu rồi thầy. Con thấy xấu hổ quá. Bỏ trong túi được một vài cuốn sách, đã nghĩ mình chạm tới bồ chữ, suýt chút nữa con lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, may mà có thầy…
- Đời tao đến đây mọi sự coi như đã an bài rồi, đâu còn cơ hội để trở ngược thế cờ. Nhưng ít ra, nhờ con chữ, nên kiếm sống được đến tuổi này. Con chữ, nếu không làm cho người ta giàu muôn vạn ức, thì cũng làm người ta đỡ nhọc nhằn. Nhìn chung, cuộc đời nói khó sống thì nó khó, mà nói dễ thì nó cũng dễ, biết sao mới vừa.
- Vợ chồng con sẽ ráng chồi đạp, cố gắng nuôi hai đứa nhỏ ăn học, tệ lắm cũng sẽ đến cấp ba. Nhưng nhìn mấy đứa nhỏ ở xóm mình, chiều nào cũng bưng thau xoài, đậu phộng đi bán quán nhậu, thấy thương quá thầy, Tú nói rồi phát ra tiếng tặc lưỡi nho nhỏ.
- Đúng là ba má tụi nó tệ ghê, người lớn tự tạo cái vòng chật chội rồi nhồi nhét tụi nhỏ vào. Mà đôi khi, chục năm nữa tụi nó lớn lên, rồi lại tạo ra một thế hệ như vậy nữa đó. Nhiều lúc tao muốn mở lớp dạy chữ cho tụi nhỏ, nhưng mà ba má nó ngày thường bĩu môi học chi nhiều, biết ghi tên với thối tiền cho người ta là được rồi, tao lại buông xuôi. Người ta cần thì mình mới giúp, còn người ta không muốn, mình vạch sẵn đường họ cũng đâu thèm đi, phải không mày?
Thôi, khuya rồi, đi vô ngủ, sáng mai là một ngày mới.