...
Toàn bộ thuê bao sử dụng điện thoại thế hệ cũ chỉ nghe gọi, nhắn tin sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại có dịch vụ 3G/4G. Do đó, việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật ở những vùng sóng yếu đang được các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhằm đảm bảo chất lượng thông tin liên lạc phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân.
Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G/5G của Bộ TT và TT phù hợp với xu thế chung của thế giới và cũng đã được BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất thực hiện tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/10/2021 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, Nam Định sẽ phổ cập mạng 4G/5G và điện thoại thông minh nhằm góp phần thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, thúc đẩy chuyển đổi số, loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho các công nghệ mới, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1,9 triệu thuê bao di dộng đang sử dụng dịch vụ của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone… trong đó có một lượng lớn thuê bao sử dụng sóng 2G của 2 nhà mạng chủ yếu là Viettel và VNPT tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng biên giới biển. Hiện tại đa số khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ do các đơn vị viễn thông cung ứng. Tuy nhiên khi thực hiện lộ trình cắt sóng 2G sẽ tạo ra một số vùng lõm sóng làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin liên lạc của các thuê bao thông tin di động nói chung. Nguyên nhân do sóng 2G có bước sóng dài hơn bước sóng 3G/4G/5G (phạm vi phủ sóng của trạm 5G chỉ được 20 đến 100m trong khi với các trạm 2G/3G/4G do sử dụng băng tần thấp có thể phủ sóng trong phạm vi 2 đến 15km) nên khi tắt sóng 2G sẽ xuất hiện nhiều vùng lõm sóng hơn. Bên cạnh đó việc toàn bộ thiết bị 2G đang dần chuyển sang sử dụng sóng 4G/5G sẽ khiến cho lưu lượng sử dụng sóng cao hơn. Vấn đề này đòi hỏi Sở TT và TT, các nhà mạng có lộ trình khắc phục vùng lõm sóng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, điều hành; phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục được tình trạng “lõm sóng” khi chính thức tắt sóng 2G vào thời điểm tháng 9/2024, Sở TT và TT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định, quy chế ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh. Sở TT và TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thu phát sóng 4G/5G, từng bước thay thế nền tảng công nghệ cũ không còn phù hợp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông; phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in phát tờ rơi về mục đích, ý nghĩa của lộ trình tắt sóng 2G; bản chất sóng điện từ để người dân hiểu và ủng hộ việc các doanh nghiệp viễn thông thuê đất, lắp đặt trạm BTS trong khu dân cư.
Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động xây dựng kế hoạch tập trung bổ sung trang thiết bị, máy móc, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu phát sóng 4G/5G để đảm bảo cung cấp dịch vụ và đáp ứng tốt nhất về mạng di động 4G/5G, kịp thời theo lộ trình tắt sóng 2G của Bộ TT và TT; tắt sóng một số trạm 2G không phát sinh lưu lượng sử dụng. Trong đó, VNPT Nam Định đã xây mới và phát sóng được 16 trạm 3G/4G, gồm 13 trạm Macro (trạm truyền thống cỡ lớn) và 3 trạm Remote Sector (trạm phát sóng phụ trợ). Từ nay đến cuối năm 2024, VNPT Nam Định sẽ đầu tư thêm 81 trạm 3G/4G, trong đó 45 trạm macro, 36 trạm Remote Sector và phát sóng thêm 47 trạm 5G. Thời gian tiếp theo, VNPT Nam Định tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nhà trạm phát sóng, đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Cùng với VNPT Nam Định, hiện nay các doanh nghiệp viễn thông khác chủ động tắt các trạm thu phát sóng 2G riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng và đầu tư thêm các trạm thu phát sóng di động 4G, 5G. Nhờ đó, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 trạm BTS, đạt trên 90% chỉ tiêu quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, có 234 trạm xây dựng trên đất công (trụ sở các sở, ngành, UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn) còn lại chủ yếu hợp đồng với các hộ dân, doanh nghiệp thuê đất có thời hạn để dựng nhà trạm; 100% xã, thị trấn đã có kết nối internet băng rộng, kịp thời khắc phục vùng lõm sóng khi chính thức tắt sóng 2G.
Với sự tích cực vào cuộc của Sở TT và TT, các doanh nghiệp viễn thông trong việc khắc phục vùng lõm sóng sẽ đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trên địa bàn tỉnh khi lộ trình tắt sóng 2G chính thức triển khai, đáp ứng yêu cầu đảm bảo thông tin thông suốt và chất lượng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân; phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh.