Các nhà khoa học khí hậu đã nắm bắt về một hiện tượng ảnh hưởng đến biến động nhiệt độ bề mặt đại dương trong khu vực kể từ năm 2021, nhưng họ không hiểu cách thức hoạt động của nó.
Trong một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 6/7 trên tạp chí Geophysical Research: Oceans, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng thành công hiện tượng này lần đầu tiên.
Tác giả nghiên cứu là nhóm chuyên gia tại viện Công nghệ Kharagpur Ấn Độ và Cơ quan Công nghệ và Khoa học Biển - Trái Đất Nhật Bản.
Họ đặt tên cho hiện tượng mới là "Mô hình Số sóng 4 Quanh cực Nam bán cầu", hay SST-W4.
"Phát hiện này giống như tìm ra một ’công tắc’ mới của khí hậu Trái Đất. Nó cho thấy một vùng đại dương tương đối nhỏ có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các mô hình khí hậu và thời tiết trên thế giới", Balaji Senapati, thành viên nhóm nghiên cứu, chuyên gia tại viện Công nghệ Kharagpur Ấn Độ, cho hay.
Hiện tượng SST-W4 này có một số đặc điểm giống với El Ninõ, một chu kỳ khí hậu ở Thái Bình Dương ảnh hưởng đến các dạng thời tiết trên toàn thế giới và có tác động làm thời tiết nóng lên. Tuy nhiên, SST-W4 xảy ra độc lập với El Ninõ và các hệ thống thời tiết đã biết khác.
Để theo dõi SST-W4, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một trình mô phỏng khí hậu có tên là SINTEX-F2 để mô phỏng 300 năm điều kiện khí hậu, theo nghiên cứu. Mô hình cho thấy sự biến động hàng năm về nhiệt độ bề mặt biển giữa tháng 12 và tháng 2, do mô hình vòng tròn gồm bốn vùng nóng và lạnh xen kẽ.
SST-W4 có xu hướng tan rã vào cuối mùa thu (Nam bán cầu), nghĩa là thời gian tồn tại thường ngắn hơn El Nino và La Nina. Nhiều hiện tượng thời tiết gắn liền với một trong hai hiện tượng El Nino hoặc La Nina. Tuy nhiên, SST-W4 có thể xảy ra với cả hai hoặc xảy ra trong những năm trung tính.
Theo nghiên cứu, hiện tượng này giống như sóng gợn ra từ điểm bắt đầu ở vùng cận nhiệt đới Tây Nam Thái Bình Dương và di chuyển quanh Nam Bán cầu theo gió mạnh.
Nay các nhà nghiên cứu đã mô phỏng được hiện tượng SST-W4, họ có thể dự đoán tốt hơn các điều kiện thời tiết ở phía nam đường xích đạo.
"Hiểu được hệ thống thời tiết mới này có thể giúp cải thiện đáng kể dự báo thời tiết và dự đoán khí hậu, đặc biệt là ở Nam Bán cầu", nhà nghiên cứu Senapati cho biết.
"Nó có thể giúp giải thích những thay đổi khí hậu trước đây vẫn còn là bí ẩn và có thể cải thiện khả năng dự đoán thời tiết và các sự kiện khí hậu khắc nghiệt của chúng ta", vị chuyên gia nói thêm.