Douyin - nền tảng video ngắn hàng đầu, được biết tới là phiên bản TikTok của Trung Quốc - đang thực hiện dọn dẹp các tài khoản "chuyên gia tự phong", trong bối cảnh chính phủ nước này tiến hành chiến dịch làm sạch không gian mạng rộng lớn hơn.
Tuyên bố về đợt truy quét vào ngày 22/7 được đăng trên WeChat cho biết nền tảng đã phát hiện một số lượng nhỏ các tài khoản giả mạo chuyên gia.
Những kẻ này tự nhận là giám đốc điều hành của các công ty nổi tiếng, chuyên gia hoặc bậc thầy trong lĩnh vực chuyên môn, chiếm lòng tin của người theo dõi Douyin rồi điều hướng họ qua một nền tảng thứ 3 để trục lợi.
"Hành vi như vậy vi phạm các quy tắc của nền tảng (Douyin) và có thể khiến những người dùng khác phải chịu tổn thất về tài chính và tình cảm", nền tảng này cảnh báo. Theo Statista, Douyin có khoảng 755 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 2/2024.
Đóng giả chuyên gia để bán khóa học
Vào tháng 2, vụ việc về một người tự nhận là bậc thầy trong lĩnh vực AI đã thu hút sự chú ý của truyền thông. Cụ thể, Li Yizhou - một Influencer có hàng chục nghìn người theo dõi - đã bán được khoảng 25.000 bộ khóa học AI (Trí tuệ nhân tạo), Global Times đưa tin.
Li Yizhou bị chỉ trích vì thổi phồng chuyên môn để bán khóa học.
Được mệnh danh là "bố già AI của Trung Quốc", Li Yizhou đã tận dụng cơn sốt học tập sau khi OpenAI ra mắt mô hình AI Sora để thu lời.
Một trong những lớp học bán chạy nhất của Li, có tên "Trí tuệ nhân tạo cho mọi người", hướng đến người mới bắt đầu đã tạo ra doanh số khoảng 50 triệu nhân dân tệ cho 40 bài, có giá 199 nhân dân tệ. Khóa học tập trung vào các hướng dẫn thực tế để sử dụng các ứng dụng AI tạo sinh trong các tình huống hàng ngày thay vì các lý thuyết hoặc công nghệ AI.
Li cũng cung cấp khóa học cao cấp với giá 1.980 nhân dân tệ cho "Yizhou Intelligence", một nền tảng dành riêng cho thành viên với nhiều công cụ và dịch vụ AI tạo sinh, có giá 39-399 nhân dân tệ sau thời gian dùng thử miễn phí.
Nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng mặc dù Li trước đó đã theo học tại Học viện Nghệ thuật và Thiết kế của Đại học Thanh Hoa, nhưng chuyên môn của anh không liên quan gì đến AI hay deep learning (học sâu - một nhánh con của máy học).
Vì những quảng cáo phóng đại của Li cùng với chất lượng của các khóa học quá thấp, một làn sóng yêu cầu hoàn tiền đã nổ ra, cùng với nhiều tranh chấp về bản quyền.
Các tài khoản mạng xã hội của Li cuối cùng đã bị cấm và các khóa học đã bị xóa.
Chiến dịch "làm sạch"
Ngày 22/7, Douyin tuyên bố rằng họ luôn cam kết duy trì "môi trường sạch sẽ, an toàn và đáng tin cậy". Họ kêu gọi các tài khoản vi phạm nhanh chóng "sửa" hoặc xóa thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm, hoặc cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về khiếu nại của họ nếu có.
Nếu không, họ có thể bị cấm tài khoản, đổi biệt danh hoặc hồ sơ cá nhân, cũng như bị xóa video. Các tài khoản vi phạm cũng có thể bị hủy quyền kiếm tiền, xóa khỏi danh sách tìm kiếm hoặc bị cấm có thêm người theo dõi mới.
Douyin tuyên bố sẽ trấn áp các chuyên gia tự phong nhằm làm sạch nền tảng của mình.
Douyin cũng đưa ra ví dụ về hành vi của những tài khoản "chuyên gia giả mạo" vi phạm quy định của nền tảng này.
Ví dụ, chủ tài khoản tự nhận có thành tích chuyên môn nhưng không có hoặc không thể cung cấp bằng chứng để xác minh điều đó, chẳng hạn tự nhận là "giám đốc của một nhà máy lớn" hoặc giám đốc điều hành có "20 năm kinh nghiệm trong các doanh nghiệp".
Những tài khoản khoe thành tích không thể xác minh cũng rơi vào tầm ngắm. Ví dụ, chủ kênh tuyên bố đã "giúp thành công hơn 300 công ty tăng gấp đôi doanh số", giúp "1 triệu bà mẹ trở nên giàu có trong khi làm việc bán thời gian" hoặc "đưa 5.000 cặp đôi đến với nhau"...
Các tài khoản do những "người tự xưng là chủ", có chức danh không thể xác minh hoặc chức danh không được "xã hội công nhận rộng rãi" cũng có thể bị cấm.
Douyin chỉ ra đó là những người tự nhận là "chuyên gia về tình yêu và hôn nhân", "huấn luyện viên cuộc sống" (life coach), "bậc thầy chữa lành tâm linh" hay "bậc thầy triệu hồi tình yêu đã mất".
Động thái mới nhất của Douyin diễn ra cùng với nỗ lực kéo dài nhiều năm của Trung Quốc nhằm làm trong sạch không gian mạng, bao gồm từ việc nhắm mục tiêu vào nội dung do AI tạo ra cho đến ngăn chặn những người có sức ảnh hưởng khoe khoang sự giàu có.
Trong một trong những bước đi mới nhất, vào ngày 13/7, chính quyền đã công bố các biện pháp kiểm soát mới đối với nội dung trên mạng, kết hợp với các ứng dụng video và nền tảng truyền thông để xóa bỏ các tài liệu bị coi là có hại cho trẻ em.
Vào tháng 6, Bộ Công an Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan xử lý những kẻ giả danh cán bộ nhà nước, đi lừa đảo nhà đầu tư bằng cách bán con dấu giả.
Tờ South China Morning Post đưa tin, trích dẫn một tuyên bố được đăng trên trang web của bộ, các hoạt động lừa đảo này đã "gây tổn hại đến hình ảnh của chính quyền, đồng thời tác động không tốt tới trật tự kinh tế - xã hội".