Bước sang năm thứ ba trong cuộc giao tranh với Nga, Ukraine rơi vào thế bị động do thiếu nhân lực và vũ khí trầm trọng. Lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục xuất hiện trong các hội nghị khu vực và thế giới, chủ yếu hướng về phía Mỹ và phương Tây – những nhà tài trợ lớn nhất của Kiev hiện nay.
"Chúng tôi cần phải nói rõ với quốc hội Mỹ rằng nếu họ không giúp đỡ, Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến với Nga", ông Zelensky nói hôm 7/4, trong bối cảnh gói viện quân sự trị giá 61 tỷ USD vẫn đang “đóng băng” tại Quốc hội Mỹ.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học St. Andrews (Scotland), ông Phillips O’Brien cho rằng, có thể thấy rõ hai lập trường trái ngược nhau về vấn đề Ukraine đang xuất hiện bên trong chính quyền Mỹ. Đảng Cộng hòa – đảng xuất thân của ông Donald Trump, mong muốn tập trung nguồn vốn cho các vấn đề trong nước, thay vì giải quyết các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden lại mạnh mẽ ủng hộ Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: The Hill
Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine nếu bà Harris thắng cử
Quan điểm ủng hộ Ukraine của Tổng thống Joe Biden không chỉ được thể hiện thông qua những tuyên bố suông. Theo thống kê của USA Facts, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ hơn 44 tỷ USD cho Kiev, chủ yếu thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (Presidental Drawdown Authorities-PDA) và Chương trình hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).
Quyền rút vốn của tổng thống cho phép người đứng đầu Nhà Trắng lấy trực tiếp khí tài từ quân đội Mỹ gửi cho Ukraine mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Sau đó, Nhà Trắng sẽ sử dụng khoản ngân sách viện trợ đã được Quốc hội thông qua để mua vũ khí mới bù cho quân đội của mình.
Trong năm đầu tiên nổ ra giao tranh giữa Nga và Ukraine, Quốc hội đã tăng dần mức trần của Quyền rút vốn này từ 100 triệu USD lên 11 tỷ USD. Kể từ tháng 8/2022, chính quyền ông Biden đã 49 lần sử dụng phương pháp này để cung cấp vũ khí cho Kiev. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 5, khi Tổng thống Mỹ thông qua dự luật viện trợ trị giá 400 triệu USD dành cho Ukraine.
Giống như ông Biden, bà Harris là người ủng hộ Kiev và được cho là sẽ tiếp tục các chính sách của ông nếu đắc cử. Đường hướng đối ngoại ấy đã được thể hiện rõ nét trong thời gian phục vụ tại Thượng viện dưới chính quyền cựu Tổng thống Trump và sau khi trở thành phó tướng của Tổng thống đương nhiệm.
Lập trường “sát cánh cùng Ukraine” một lần nữa được bà Harris nhắc lại tại Hội nghị an ninh Munich đầu năm nay. "Các bạn đã nói rõ rằng châu Âu sẽ sát cánh cùng Ukraine và tôi cũng sẽ nói rõ rằng Tổng thống Joe Biden và tôi cũng vậy”, bà Harris nói.
Tháng 6/2024, Phó Tổng thống Mỹ tiếp tục tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sỹ tổ chức. Tại đây, bà Harris có cuộc gặp thứ 6 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và kêu gọi đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hỗ trợ Kiev.
Theo ông Phillips O’Brien, việc ông Biden rút lui khỏi đường đua "làm thay đổi hoàn toàn chiến dịch", nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng điều này sẽ quyết định kết quả kỳ bỏ phiếu tháng 11, hay thậm chí là kết quả đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng tới.
"Bà Kamala Harris là một lựa chọn tuyệt vời. Tôi nghĩ chính quyền của bà Harris sẽ không khác nhiều so với chính quyền của ông Biden, đặc biệt trong việc xử lý vấn đề Ukraine. Nếu bà Harris giành được suất đại diện đảng thì đó là một tin mừng cho cả đảng Dân chủ lẫn Kiev”, ông nói.
Nếu Nhà Trắng đổi chủ
Theo Wall Street Journal, viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là một điềm báo xấu cho Kiev. Cựu Tổng thống đã nhiều lần nhắc tới khả năng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine bằng cách cắt viện trợ quân sự, thậm chí kêu gọi Ukraine nên nhượng bộ để kết thúc giao tranh.
Đầu năm nay, sự phản đối quyết liệt từ ông Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa cũng là lý do khiến gói viện trợ 61 tỷ USD dành cho Ukraine bị “đóng băng” suốt nhiều tháng tại Quốc hội Mỹ. Mới đây, lựa chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance làm người đồng hành tranh cử của cựu Tổng thống càng củng cố thêm lo ngại từ phía Ukraine rằng những tuyên bố trước đó của ông sẽ thành hiện thực.
Tại cuộc họp hôm 18/7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về những thách thức mới nếu Mỹ rút lui trong trường hợp ông Trump đắc cử, bao gồm việc liệu khối liên minh này có thể đoàn kết và tăng cường sức mạnh quân sự như thế nào để hỗ trợ cho Ukraine.
Trước đó, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích châu Âu dựa vào sức mạnh Mỹ trong NATO, thay vì mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng. Cựu Tổng thống Trump từng đặt câu hỏi về sự cần thiết của NATO, đồng thời cho rằng, dưới nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Mỹ sẽ không bảo vệ các quốc gia không đáp ứng mục tiêu chi cho quốc phòng tối thiểu là 2% GDP.
Theo chuyên gia Phillips O’Brien, sẽ có những hạn chế nhất định đối với châu Âu trong việc tăng chi tiêu quân sự cho Ukraine mà không có sự hỗ trợ từ Mỹ. Phần lớn năng lực sản xuất vũ khí của châu Âu đã bị suy yếu sau nhiều năm cắt giảm ngân sách. Việc xoay chuyển tình thế cũng là một thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và dân số già hóa, cùng với sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng đối với việc cắt giảm chi tiêu phúc lợi để đầu tư cho quốc phòng.
Những nghi ngờ về khả năng hành động nhanh hơn của châu Âu tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây, khi một số quốc gia phương Tây, bao gồm Pháp và Đức, gặp phải khủng hoảng chính trị. Cuối năm ngoái, Chủ tịch ủy ban quân sự của NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết châu Âu giờ đây có thể “nhìn thấy đáy thùng” về những gì họ có thể cung cấp cho Ukraine.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder, cho biết các cuộc thảo luận "âm thầm" đã diễn ra giữa các bộ quốc phòng và ngoại giao châu Âu về cách thức khối liên minh sẽ hoạt động độc lập như thế nào nếu không có Washington. Tuy nhiên, điều họ cần là thứ “đã trôi vuột khỏi tay họ: thời gian”.
“Họ muốn có thêm 4 năm nữa”, ông Daalder nói, ám chỉ nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Chưa có gì chắc chắn
Trong vòng 24 giờ qua, chiến dịch tranh cử tổng thống của Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được số tiền kỷ lục 81 triệu USD, phần lớn trong số đó đến từ các nguồn tài trợ mới.
Nếu tiếp tục kéo dài lợi thế đến Đại hội đảng Dân chủ vào tháng 8 tới, bà Harris sẽ trở thành người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên đại diện một đảng lớn ra tranh cử. Nếu thắng cử, bà cũng sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ứng viên tiềm năng sẽ cạnh tranh với Phó Tổng thống, tiêu biểu như Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro hay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton – người từng đối đầu với ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Dù đang nắm kèo trên trong các cuộc thăm dò mức độ ủng hộ của cử tri nhưng ông Trump vẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những biến số mới trong cuộc bầu cử năm nay, khi đối thủ chính thức đến từ đảng Dân chủ vẫn chưa lộ diện. Hiện chiến dịch của ông Trump đang nghiên cứu các quy định của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ để hiểu quy trình nội bộ có thể xảy ra sau khi ông Biden rút lui.
Sau những bất ngờ liên tiếp xảy ra từ đêm tranh luận Tổng thống cuối tháng trước, vụ ám sát hụt một nhân vật chính trị vào đầu tháng này, đến tuyên bố ngừng tranh cử của Tổng thống đương nhiệm, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay càng trở nên khó đoán định.