Giá bitcoin giảm mạnh sau diễn biến mới ở Đức và Pháp

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá bitcoin giảm khoảng 5%, xuống còn 54.400 USD/BTC vào sáng 8/7 tại thị trường Singapore, thấp hơn khoảng 19.000 USD/BTC so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3. Các đồng tiền điện tử giá trị thấp hơn như ether, XRP và Dogecoin cũng đồng loạt giảm mạnh.
Giá bitcoin giảm mạnh sau diễn biến mới ở Đức và Pháp
Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Đức đang xử lý lượng bitcoin đã bị tịch thu, trong khi thị trường toàn cầu nói chung đang giữ tâm lý thận trọng do kết quả bầu cử cuối tuần tại Pháp. Vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp đã khép lại cuối tuần trước với kết quả khiến nước này đối mặt với nguy cơ bế tắc chính trị. Điều này tạo ra một quốc hội treo (tình trạng không có bất kỳ một đảng chính trị nào giành được đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử).

Tâm lý lo ngại về việc các token có thể bị bán tháo từ sàn giao dịch Mt. Gox của Nhật Bản cũng tạo áp lực giảm lên giá bitcoin. Các báo cáo cho biết Mt. Gox đang lên kế hoạch hoàn trả lại tiền cho các chủ nợ. Mt. Gox - từng là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Tokyo - đã bị tin tặc tấn công vào năm 2011 và phá sản vào năm 2014. Việc trả lại token cho các chủ nợ từ lâu được chờ đợi đã khiến thị trường tập trung vào nguy cơ bán tháo ồ ạt.

Câu hỏi lớn đối với các tài sản kỹ thuật số là khi nào "gánh nặng" bán tháo liên quan đến Mt. Gox và Đức sẽ chấm dứt.

Bitcoin đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trong quý I năm nay, được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bitcoin đầu tiên ở Mỹ. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào thị trường này đã giảm dần và lợi thế trong năm nay của tiền điện tử so với các tài sản như cổ phiếu đang nhanh chóng bị xói mòn.

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, sự khác biệt quan trọng nhất của làn sóng bitcoin trong những tháng gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn. Ông Nathan McCauley, Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng tài sản kỹ thuật số Anchorage Digital, nói: “Các tổ chức đầu tư tài sản truyền thống từng đứng ngoài cuộc. Hiện nay, họ là là động lực tăng trưởng chính của thị trường tiền điện tử".

Trong khi đó, có một ý kiến đang gây tranh cãi hiện nay là liệu bitcoin có được xem là một loại tài sản phòng ngừa rủi ro giống như vàng hay không? Đặc biệt là khi thế giới đang đương đầu với sự không chắc chắn và biến động địa chính trị ngày càng gia tăng.

Chuyên gia Chris Kline, nhà đồng sáng lập của sàn môi giới Bitcoin IRA, tin rằng ở một số khía cạnh, đồng bitcoin đang thể hiện khá tốt tiềm năng là một loại tài sản phòng ngừa rủi ro quan trọng.

Theo chuyên gia Kline, với số lượng nguồn cung hữu hạn, chỉ có tối đa 21 triệu đồng, bitcoin sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hữu hiệu cho hệ thống đồng tiền pháp định, khi chúng bị mất giá. Hơn nữa, so với vàng hiện có mức giá quá cao, đồng bitcoin là một loại tài sản dễ sở hữu hơn.

Nhưng Giáo sư chuyên ngành tài chính Robert R. Johnson thuộc Đại học Creighton đã phủ nhận ý kiến này, khẳng định đồng bitcoin chỉ có thể là một phương tiện dùng để đầu cơ.

Giáo sư lý giải diễn biến giá bitcoin trong những năm qua tương đồng với sự lên xuống của giá cổ phiếu. Do đó, “không có cách nào có thể xác định được chính xác giá trị của đồng bitcoin hay bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, vì người tham gia giao dịch sẽ không thể áp dụng các phương pháp tài chính truyền thống để nắm bắt được giá trị nội tại (giá trị thực tế) của các tài sản này”.

Ông Mike Novogratz, CEO của công ty quản lý đầu tư kỹ thuật số Galaxy Digital, mới đây đã đưa ra nhận định rằng các nhà đầu tư sẽ sớm thích giao dịch bitcoin - còn được nhiều người gọi là “vàng kỹ thuật số” - hơn là giao dịch kim loại quý này ngoài đời thực.

Theo ông Novogratz, mặc dù giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của bitcoin chưa bằng 1/10 vàng (1.210 tỷ USD so với 13.790 tỷ USD), đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này sẽ sớm thay thế loại tài sản được cả thế giới biết đến từ lâu này.

Ông nói rằng trong khối tài sản ước tính trị giá 85.000 tỷ USD của thế hệ Baby boomer (thường được định nghĩa là những cá nhân sinh từ năm 1946 - 1964), phần lớn đang do các nhà đầu tư chuyên nghiệp quản lý. Khoảng một nửa trong số các nhà đầu tư chuyên nghiệp đó có quyền tiếp cận 10 quỹ ETF Bitcoin giao ngay mới được phê duyệt gần đây. Các nền tảng như BlackRock và Fidelity phần lớn đi lên nhờ khối tài sản của thế hệ Baby boomer và họ đang khuyến khích khách hàng phân bổ tối thiểu 1 - 3% tài sản cho tiền điện tử. Nếu thành công, con số thanh khoản mới huy động được sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD.

CEO Novogratz cũng dự đoán một khi khối tài sản của thế hệ Baby boomer được truyền lại cho thế hệ sau, việc phân bổ sang các loại tài sản kỹ thuật số sẽ chỉ tăng tốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật