Ở huyện Tân Châu, An Giang, chuyện tình đũa lệch của anh Khang - chị Ngọc khiến bà con lối xóm không khỏi bàn tán xôn xao. Anh Khang năm nay mới 20 tuổi, còn chị Ngọc đã ngoài 35, có 4 người con riêng.
Chị Ngọc tâm sự, cách đây 3 năm, người chồng cũ của chị qua đời trong một lần ra đồng tuốt lúa, dính phải bẫy chuột. Anh mất khi mới 41 tuổi, để lại cho chị đàn con nheo nhóc.
Thời điểm đó, cả gia đình chị vẫn còn ở bên Campuchia làm thuê. Chồng mất, trong nhà không có đủ tiền làm tang. Mọi người xung quanh thấy hoàn cảnh khổ cực nên cho chị miếng đất để chôn chồng.
Chị Ngọc và anh Khang (áo trắng) ở tạm trong căn nhà được hội từ thiện cấp
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Ngọc dắt díu 4 đứa con lội bộ trở về Việt Nam. Chị ở nhà nội được vài bữa, chị gái chồng cũ thấy thương nên xin hội từ thiện cấp tạm cho căn nhà. Chị Ngọc mở hàng nước, 5 mẹ con sống chật vật, rau cháo qua ngày.
Anh Khang - trong một lần ghé quán thấy người phụ nữ duyên dáng nên ngỏ ý làm quen. chuyện tình của cả hai cũng nảy nở từ đó. Chị Ngọc ban đầu ái ngại vì chênh lệch tuổi tác, sau thấy anh hiền lành, chân thành nên cũng mở lòng.
“Tôi sợ tôi lớn tuổi hơn anh, lại còn 4 đứa con. Tôi khuyên anh cả hai không thể tới với nhau, nhưng anh bảo anh thương rồi, anh chấp nhận. Hơn năm nay, anh cứ dọn về ở chung vậy đó”, chị Ngọc cười.
Nhiều người tò mò hỏi anh Khang, trẻ tuổi như vậy, có nhiều sự lựa chọn, hà cớ gì lại “đèo bòng” thêm mấy mẹ con. Liệu sức lao động của anh có lo được hết cho mấy đứa trẻ không? Nhưng chàng thanh niên trẻ chỉ cười và bảo: “Làm được tới đâu hay tới đó. Tôi đến với vợ vì tôi thương vợ”.
Kể từ ngày con trai dọn về với người phụ nữ góa chồng, bố mẹ anh Khang biết, ông bà “im ru, không nói gì”.
Ăn cơm với nước mắm, không đủ tiền đi đẻ
Sau hơn 1 năm chung sống, cặp vợ chồng “hờ” chào đón thêm một cô con gái nhỏ. Ngày chị Ngọc đi sinh, trong nhà không có đủ tiền, phải đi loanh quanh trong xóm xin vài đồng để lo viện phí. Đứa trẻ chào đời được hơn 1 tháng, được chị đặt tên là Dương. Còn 4 đứa con riêng có tên lần lượt là Giàu - Tiền - Tỷ - Mỹ. Bé Giàu là anh cả, năm nay mới 12 tuổi.
Hiện chị Ngọc ở nhà chăm con, kinh tế trong nhà phụ thuộc vào công việc làm thuê của anh Khang. Ngày nào hàng về nhiều, người ta trả công 200-300 nghìn, ngày nào ít thì vài chục. Nơi anh Khang làm cách nhà khoảng hơn 20 cây. Ban ngày ông bố trẻ đi làm, tối mới về. Có hôm anh ở luôn trên đó tầm 2-3 hôm để đỡ tiền xăng xe.
Nhìn chồng vất vả, con khát sữa mà không đủ tiền, chị Ngọc nhiều lần khóc cạn nước mắt. “Tôi thấy may mắn vì có anh, tôi thương anh, anh lo cho mấy mẹ con lắm”, góa phụ U40 nghẹn ngào.
Chị Ngọc rơi nước mắt vì hoàn cảnh quá nghèo
Có những hôm cả gia đình phải ăn cơm với nước mắm kho quẹt. Thi thoảng hàng xóm thương, ghé qua cho con cá. Anh Khang đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm 10-15 nghìn. Khi đó, bữa cơm của mẹ con chị Ngọc mới được cải thiện.
Trong 4 đứa con riêng, chỉ có bé Giàu và bé Tiền được đi học. Hai anh em được một người cô cho chiếc xe đạp, sáng nào cũng chở nhau tới trường.
“Lúc mẹ có tiền, sáng mẹ sẽ cho con 5 ngàn, 10 ngàn. Còn chiều con ăn cơm nhà rồi đi học. Con thấy cơm kho quẹt ngon, có ăn vẫn đỡ hơn không chứ nhà con không có tiền”, bé Giàu nói.
Thương mẹ nên bé Giàu rất chăm ngoan, hiểu chuyện. Cậu bé ước mơ sau này được đi làm công ty, “ráng làm kiếm tiền lo cho ba mẹ”.