Thị trường chứng khoán đi qua nửa đầu năm 2024 đã để lại những cảm xúc buồn vui lẫn lộn cho nhà đầu tư, khi các yếu tố kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ và các sự kiện địa chính trị đã tạo nên những con sóng dữ dội, khiến không ít nhóm ngành ghi nhận mức sụt giảm.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, 6 tháng đầu năm 2024 cũng chứng kiến sự bùng nổ của nhiều mã cổ phiếu và nhóm ngành với tốc độ tăng giá ấn tượng, đặc biệt là ngành hàng không và công nghệ.
LOẠT CỔ PHIẾU UPCoM NỔI SÓNG
Từ đầu năm đến nay, sự luân chuyển dòng tiền từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đã thổi bùng sức sống cho nhiều mã cổ phiếu trên UPCoM. Một số cổ phiếu đã liên tục thiết lập kỷ lục mới về giá, thu hút dòng tiền và đẩy vốn hóa thị trường lên tầm cao mới.
Điển hình như cổ phiếu CDH của Công ty Công trình Công cộng và dịch vụ Du lịch Hải Phòng đã tăng đến 665% chỉ trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, có không ít cổ phiếu tăng mạnh tương tự, như cổ phiếu CID của Công ty xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng tăng đến 390% kể từ đầu năm; hay cổ phiếu GGG của Công ty Cổ phần Ô tô Giải Phóng tăng 305%, cổ phiếu VLG của Công ty Cổ phần VIMC Logistics tăng 200%...
Đáng chú ý, một cổ phiếu “họ” Viettel giao dịch trên UPCoM là VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cũng đi lên không nghỉ. Trong phiên ngày 5/7, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 107.900 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm 2024, thị giá VGI đã tăng gấp 4,2 lần.
Xu hướng tích cực đẩy vốn hóa của Viettel Global tăng vọt, đạt khoảng 328.427 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, nằm trong top những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Đà tăng giá của cổ phiếu VGI diễn ra trong bối cảnh công ty có kết quả kinh doanh quý 1/2024 khá tích cực. Cụ thể, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.633 tỷ đồng, đã vượt cả năm 2022 (1.647 tỷ đồng).
Viettel Global cho biết hầu hết các công ty thị trường (bao gồm công ty và công ty liên kết) đều tăng trưởng. Bên cạnh đó, dòng tiền thu hồi từ thị trường giúp cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay tạo ra khoản lợi nhuận tài chính, giúp làm tăng lợi nhuận.
Tương tự, một cổ phiếu khác trên sàn UPCoM là BSR của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, hiện đang giao dịch quanh mức 22.600 đồng/cổ phiếu, vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Sự khởi sắc của cổ phiếu BSR đến từ việc quyết tâm chuyển sàn sang HOSE và triển khai dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. BSR cho biết, việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn và tiềm năng thu hút vốn.
Một điểm chung đáng chú ý đối với những cổ phiếu tăng mạnh trên UPCoM là chúng đều thuộc các công ty đầu ngành với nền tảng cơ bản vững chắc, tình hình tài chính ổn định và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Ngoài ra, các cổ phiếu này còn được thúc đẩy bởi những thông tin tích cực và bất ngờ như chuyển sàn niêm yết hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần làm gia tăng giá trị của chúng trên thị trường.
Nhìn chung, trong thời gian qua, thị trường UPCoM đã chứng minh được vai trò của mình như một kênh giao dịch cổ phiếu an toàn và hiệu quả cho nhà đầu tư, cũng như một công cụ huy động vốn mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Với quy mô không ngừng mở rộng và chất lượng cổ phiếu ngày càng cải thiện, UPCoM đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
CỔ PHIẾU HÀNG KHÔNG SẢI CÁNH BAY CAO
Trong nửa đầu năm 2024, trong khi các cổ phiếu kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung, thì nhóm cổ phiếu dịch vụ hàng không liên tiếp thăng hoa sau thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ 1/3/2024 theo Thông tư số 34.
Cùng với đó, kết quả kinh doanh quý đầu năm vượt trội đã tiếp thêm nhiều động lực cho cổ phiếu ngành hàng không “cất cánh”. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) đã tăng gần 180% để leo lên mức 34.200 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng giá mạnh đã đưa vốn hóa của Vietnam Airlines vượt ngưỡng 73.732 tỷ đồng, trở thành một trong những doanh nghiệp trị giá tỷ USD tại Việt Nam.
Trong khi đó, cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là một trong những cổ phiếu nổi bật trong nhóm phụ trợ hàng không. Cổ phiếu của tổng công ty này "bay cao" kể từ đầu năm đến nay, tăng từ vùng 643.900 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng mạnh nhất của ACV bắt đầu từ đầu tháng 5 khi nhảy vọt từ mức 86.000 đồng lên tới 124.300 đồng ở thời điểm hiện tại. Chỉ trong nửa năm, cổ phiếu doanh nghiệp này tăng gần 100%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu SAS của Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng đạt mức tăng trưởng 50,2% kể từ đầu năm. Tính riêng trong vòng 1 tháng qua, SAS đã tăng một mạch từ vùng giá 29.900 đồng/cổ phiếu lên mức 36.100 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, một số cổ phiếu phụ trợ hàng không khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: NCS tăng 37,81%, AST tăng 25,43%, SGN tăng 19,72%, NCT tăng 14,85%...
Diễn biến giá một số cổ phiếu ngành hàng không từ đầu năm tới nay
Nhận định về triển vọng ngành hàng không trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Yuanta (YSVN) cho rằng ngành này đã qua thời kỳ khó khăn bởi giá dầu được kỳ vọng duy trì ổn định trong suốt cả năm 2024, quanh mức 90 USD/thùng, cao hơn bình quân 2023 nhưng cũng không tạo áp lực quá lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không.
Một yếu tố khác giúp các hãng hàng không duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 đến từ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục.
Tiếp đó, Thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay có hiệu lực từ 1/3/2024 cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa.
Cuối cùng, dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026 sẽ là triển vọng dài hạn giúp các hãng hàng không hưởng lợi. Sân bay quốc tế Long Thành có tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Điều này sẽ cải thiện tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi 80% chuyến bay quốc tế và 12% chuyến bay nội địa sẽ được chuyển về sân bay Long Thành, mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam trong dài hạn.
CỔ PHIẾU CÔNG NGHỆ RỦ NHAU VƯỢT ĐỈNH
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, giảm 1,3% so với cuối tháng 5/2024.
Trái với mức sụt giảm của chỉ số VN-Index, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 10,18% trong tháng 6 và tăng 53,63% so với cuối năm 2023.
Dẫn đầu đà tăng trưởng của nhóm công nghệ không thể không kể đến cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT. Tính từ đầu năm đến nay, cổ đông của FPT liên tục được “lên đỉnh” khi mã cổ phiếu này đã có gần 30 lần đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử giao dịch.
Còn xa hơn trong vòng 1 năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng gấp 2,2 lần. Giá trị vốn hóa của FPT theo đó cũng lập kỷ lục mới, đạt khoảng 201.687 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu FPT đến từ “cái bắt tay” với ông lớn Nvidia để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây trên toàn cầu. Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của Nvidia (bao gồm bộ ứng dụng - khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core).
Một cổ phiếu công nghệ khác thuộc “họ” FPT là FOX của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng tiếp tục tăng thêm 3,24%, lên mức 102.100 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 5/7. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu FOX đã tăng gấp đôi giá trị.
Tương tự, cổ phiếu ELC của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom cũng nằm trong đợt sóng tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ nói chung. Từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu ELC đã tăng 22,5% và đang giao dịch quanh mức giá 25.550 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá một số cổ phiếu ngành công nghệ từ đầu năm tới nay
Hiện tại, đà tăng của nhóm công nghệ thông tin đang chững nhịp, tuy nhiên nhiều phân tích cho rằng, nhóm ngành này vẫn được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực. Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), nhóm ngành công nghệ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%.
Đồng thời, xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Từ đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Còn theo dự báo của Gartner, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ vươn lên trở thành lĩnh vực chi tiêu lớn nhất của ngành công nghệ với giá trị dự kiến 1.501 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị thị trường công nghệ thông tin toàn cầu, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này đến từ nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án chuyển đổi số và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.