Thế mạnh vượt trội của Hải Phòng trong thu hút FDI

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, trở thành điểm đến của nhiều ’ông lớn’ và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Hải Phòng đang cho thấy thế mạnh vượt trội trong thu hút FDI.
Thế mạnh vượt trội của Hải Phòng trong thu hút FDI
Dây chuyền sản xuất của LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ Ảnh: Lê Hiệp

Thu hút FDI đi đúng hướng

Hải Phòng được đánh giá là “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố thu hút FDI nhiều nhất trong cả nước. Năm 2023, tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Hải Phòng đạt 3,5 tỷ USD, trong đó có 62 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, tăng 140% so với năm 2022. Đây là kết quả cao nhất trong 3 năm qua về thu hút vốn FDI của Hải Phòng, đưa địa phương này lên vị trí thứ hai cả nước và thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng về thu hút FDI.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, điểm tích cực trong thu hút FDI của TP. Hải Phòng không chỉ là số vốn đăng ký, mà còn là tỷ lệ của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào các KCN, KKT - đạt trên 93%. Con số này cho thấy, mục tiêu thu hút FDI của Hải Phòng đi đúng hướng, đó là tập trung thu hút dòng FDI thế hệ mới.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, Hải Phòng thu hút trên 10 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, KKT, đạt 88,8% chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI về thu hút FDI vào các KCN, KKT trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thực tế, trong giai đoạn 2020 - 2023, Hải Phòng đã tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu gồm: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Đồng thời, Thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các cụm công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ chấp nhận chủ trương đầu tư các dự án thành lập KCN.

Đặc biệt, với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động sàng lọc để lựa chọn các dự án và nhà đầu tư chất lượng cao, Hải Phòng đã được nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone lựa chọn là điểm đến. Các “ông lớn” này tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án vệ tinh trong chuỗi cung ứng đến “làm tổ” tại Hải Phòng, hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn.

Tiếp tục bứt phá

Để tiếp tục thúc đẩy thu hút nguồn lực phát triển Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu thu hút 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI và sau 4 tháng đầu năm đã thu hút được gần 700 triệu USD.

Theo đà phát triển, Hải Phòng sẽ đầu tư, mở rộng KKT Đình Vũ - Cát Hải, triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới (tổng diện tích 6.200 ha) và thành lập KKT phía Nam thành phố (20.000 ha, thu‌ộc đị‌a bàn Đồ Sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão) nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các KKT Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi KKT ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

Năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (725 ha), KCN Tiên Thanh (410 ha). Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đang phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 2 KCN này, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024 - 2025, cung ứng cho thị trường hơn 1.000 ha đất công nghiệp.

Suất đầu tư trung bình trong các KCN, KKT tại Hải Phòng đạt 12 triệu USD/ha, bằng 2,6 lần mức bình quân cả nước và đạt 56 triệu USD/dự án, bằng 2,8 lần mức bình quân cả nước.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn tới, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 KCN mới với tổng diện tích gần 5.000 ha. Trong đó, 4 KCN (Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên, tổng diện tích hơn 1.383 ha) đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. 9 KCN còn lại với tổng diện tích 3.505 ha đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định. Đây là những tiềm năng, lợi thế để Hải Phòng tăng tốc thu hút FDI và vốn đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như đê biển Nam Đình Vũ, các tuyến đường kết nối nội khu nhằm hoàn thiện hạ tầng trong KKT Đình Vũ - Cát Hải.

Trong năm 2024, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư đối với các ngành nghề thuộc 3 trụ cột kinh tế đã được xác định (cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao); thu hút đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển các KCN chuyên ngành, có tính liên kết sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật