bệnh nhi nói trên khởi phát bệnh từ ngày 27/3, đến 12/4, xét nghiệm xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính. Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Như vậy, đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cho hay, bên cạnh ca mắc sởi, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 1 ca mắc ho gà, tại quận Thanh Xuân. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 46 ca mắc ho gà, tại 20 quận, huyện; số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.
Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 7 ca mắc; giảm 6 ca so với tuần trước; trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 576 ca mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa hè như: Tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella…
Trước đó, cuối tháng 3/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin về ca rubella đầu tiên tại Hà Nội, là bé gái 7 tuổi, ở huyện Đan Phượng. Trường hợp này cũng đã được tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng rubella. Cũng trong cuối tháng 3/2024, viện vệ sinh dịch tễ trung ương thông tin về 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc trong năm 2024. Trong đó, có 12 trường hợp sởi xác định tại 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) ghi nhận 1 chùm ca bệnh sởi ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.
Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024, dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi vừa qua đã đạt mức cao nên dự báo nguy cơ đối với dịch sởi là có, nhưng không lớn. Trong năm 2023, CDC cũng đã giám sát rất nhiều ca sốt phát ban nghi sởi và không lây lan rộng. Tuy nhiên, ở một số khu vực vẫn ghi nhận các ca mắc sởi, vì vậy chúng ta không thể chủ quan với dịch sởi.
BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, bệnh sởi gây ra bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae lây lan nhanh qua đường hô hấp, không chỉ gây ra triệu chứng cấp tính mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, tổn thương đa cơ quan, để lại nhiều biến chứng nặng nề suốt đời như viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc… Phụ nữ mang thai nếu mắc sởi có thể dẫn đến dị tật thai nhi, sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.
Theo viện vệ sinh dịch tễ trung ương, trẻ em và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi rất dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%. Do đó, tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.
Các chuyên gia cũng lưu ý, vaccine phòng sởi và vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó, sau hai mũi vaccine sởi - quai bị - rubella, có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trước khi có thai tốt nhất 3 tháng. Ngoài ra, đối tượng này cần chủ động tiêm vaccine phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván trong thai kỳ để bảo vệ con khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.
“
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, với bệnh sởi, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ mắc, giảm biến chứng nặng. Trẻ được tiêm mũi 1 từ khi 9 tháng tuổi; tiêm mũi 2 khi trẻ 15-18 tháng tuổi; theo chu kỳ, khoảng 3 năm sau, trẻ có thể được tiêm nhắc lại để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh. Với những trẻ đã hết tuổi tiêm vaccine phòng sởi, khi có dịch cần phải tiêm thì sẽ được chỉ định, và việc tiêm cần có chỉ định của nhân viên y tế.