Gần đây, mạng xã hội xôn xao trường hợp ông Lê Minh Hoàng được Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hóa và KH-CN thuộc Liên hiệp Các Hội KH-KT Việt Nam) giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TPHCM bởi có khả năng "cầu mưa" nhưng chưa được kiểm chứng.
Ngày 16/4, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã mời ông Lê Minh Hoàng (SN 1967, ở xã Mỹ Thành) tới làm việc liên quan nội dung ông này được giới thiệu "cầu mưa giải hạn" cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phía Nam.
Qua buổi làm việc của cơ quan chức năng với ông Hoàng, người đàn ông này đã nhận lỗi về việc nói có khả năng cầu nguyện cầu mưa cho TPHCM và cầu nguyện cho cây lúa bớt đổ ngã. Ông Hoàng đã nhận sai vì đưa ra thông tin không được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc xảy ra mưa gió là hiện tượng tự nhiên, dựa trên các căn cứ khoa học các phản ứng, hiện tượng vật lý. Trên thế giới có một số quốc gia đã thực hiện việc "hô mưa, gọi gió" nhưng dựa vào sự can thiệp các hiện tượng vật lý, hóa chất phản ứng, đã được khoa học kiểm chứng và đã thực hiện thành công trên thực tế.
Rất may sự việc ông Hoàng "hô mưa, gọi gió" chưa gây ra hậu quả, các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời ngăn chặn sự việc. Tuy nhiên, xét trên phương diện pháp lý, việc làm trên của ông Hoàng có thể bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi "mê tín dị đoan".
Theo luật sư Nam, Pháp Luật Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm, định nghĩa chính thức thế nào là hành vi "mê tín dị đoan". Tuy nhiên, có thể hiểu mê tín, dị đoan là tin tưởng một cách mê muội vào một điều không có căn cứ, không có cơ sở khoa học, không đúng thực tế, trái ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học và không thể chứng minh được.
Theo đó, người có hành vi mê tín dị đoan tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, hành vi vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về các tội danh có liên quan.
Cụ thể, theo quy định tại điểm đ khoản 7 điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, người có hành vi mê tín dị đoan có thể bị xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính theo quy định tại khoản 8 điều 14 của Nghị định số 38.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 2, 4 điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP người có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Quá trình lực lượng chức năng xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ giải quyết vụ việc, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu Hình Sự, những người liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về tội Hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại điều 320 Bộ luật Hình Sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 10 năm tù nếu người này có hành vi định tội như gây ra hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Trường hợp người có hành vi mê tín dị đoan có biểu hiện chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác, có thể bị xử lý về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình Sự.
Do đó, để tránh bị mất tiền, tài sản…, mọi người cần nâng cao ý thức loại bỏ các hình thức mê tín dị đoan ra khỏi đời sống xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ, khoa học.