Hãy yêu nhau đi…

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiệc cưới sắp tàn, nghi lễ phải trái xem như dứt điểm.
Hãy yêu nhau đi…
Ảnh minh họa

1.

Tiệc cưới sắp tàn, nghi lễ phải trái xem như dứt điểm. Giờ là thời khắc free times, ăn nhậu tự do, hát hỏng tự do. Ông bà, chú bác, cô dì tuần tự lui vô hậu trường, nhường sân cho lớp trẻ.

“Lớp trẻ” đây là hàng anh chị em của cô dâu, tức có cả tôi, chị cả, cho dù tôi đã thuộc hàng U50, đã (hơi sớm) lên chức bà và con gái đầu tôi tuổi vừa vặn ngang tuổi con em út, tức cô dâu.

Tuổi tác quan trọng gì đâu. Cái chính, cho dù có là U50 tôi thấy mình vẫn còn trẻ, rất trẻ. Tuổi tác chỉ là thứ sản phẩm định danh tương đối. Không vậy, sao thế gian này tồn tại nhiều ông cụ non và vô số người cao tuổi không phải người già…

Còn nữa, tôi đang là người độc thân, tự do. Nôm na hơn, tôi là bà góa!

Dàn nhạc sống đang chơi bài “60 năm cuộc đời” của Y Vân, “em ơi có bao lâu, 60 mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau sầu thương dâng vời vợi…”.

Bàn nhậu đang rôm rả. Bia chuyền nhau rót ồng ộc, sủi tăm. Nào, nâng li, tất cả nâng li, uống mừng em gái lên xe hoa theo chồng. Uống mừng em. Chị mày đây, cả đời chưa bao giờ biết cái hạnh phúc lên xe hoa đâu nha. Uống…

Tôi dốc, cạn sạch. Bia ngon thật. Không gian, thời gian, tình huống đều ngon. Ngày vui của em tôi. Tôi đang ngồi cùng các anh chị em tôi, dưới mái nhà của cha mẹ tôi. Không, mái nhà của tôi. Nơi tôi mở mắt chào đời và lớn lên. Nơi hơn 10 năm – từ cái đận tôi “xách gói bỏ nhà theo trai”. Mày theo nó thì đi luôn đi, cấm không được về…, lời của mẹ.

Bà ấy nổi danh bợm nhậu, khỏi nói… Ai đang xì xầm bàn tán. Chắc nói tôi. Phải, tôi, U50, không chồng, ngày ngày chỉ biết cắm mặt vào từng mẹt cá tanh mà chạy chợ kiếm tiền nuôi con. Đêm về thì trằn trọc, sục sôi, quay quắt cùng nỗi cô đơn, cùng thèm khát đàn bà bị dồn nén, chất chứa lâu ngày đến đầy vun.

Phải, từ ngày hắn lăn đùng ra chết. Hắn, cái lão chồng khốn kiếp, vũ phu mà tôi đã không ngần ngại đem cho không biếu không thời con gái của mình, để bị cha mẹ từ bỏ, xóm làng rẻ khinh. Phải, hắn, ngoài cái mã đẹp trai khiến gái chết mê thì, y như mẹ nói, lấy cái đẹp trai đi, bên trong hắn chỉ còn rặt cặn bã, rác rưởi, không đáng một xu teng…

Có điều, nói nhỏ nghe, hắn rất tuyệt khi… lên giường!

Vậy nhưng, giờ hắn đã chết. Tôi thà chịu đựng cái vũ phu thô bạo, rượu chè của hắn. Tôi thà bị mẹ cấm cửa không được về nhà để lại có hắn. Để được hắn đánh, chửi. Chê chán lại ôm nhau, ve vuốt làm hòa. Nhà không có đàn ông là nhà hoang. Đàn bà không có đàn ông là đàn bà hoang. Dại hoang cần được tưới tắm bằng rượu bia cho hạ nhiệt bớt; nếu không….

Dàn nhạc vẫn đang rộn ràng, thúc bách giai điệu Y Vân, “em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời…”

2.

Mẹ bị bẽ mặt với xóm giềng. Cảm giác bẽ mặt ấy lớn đến mức mẹ không tha, không bao giờ tha thứ cho tôi. Cho dù chuyện đã qua lâu, rất lâu. Cho dù hắn, cái thằng cặn-bã-rác-rưởi-không-đáng-một-xu-teng dám dụ dỗ đứa con gái đang học lớp 9 bỏ học, bỏ nhà theo trai cũng đã về với đất rất lâu.

May, nếu hắn còn sống, tôi đừng hòng bước chân về nhà. Nhượng bộ không đồng nghĩa với thứ tha. Tôi, đứa con gái đẹp nhất nhưng cũng nghèo khổ, bệ rạc, sứt sẹo nhất nhà. Đáng ghét. Cái đáng ghét giờ lại càng đáng ghét hơn khi em út đứa nào cũng thành đạt: Trí thức, giàu có, chồng vợ đề huề và vân vân.

Tôi, con chiên ghẻ trong đám chiên lành, là mối nhục cho gia đình. Đẹp mà hư thân mất nết thì đẹp làm gì, lại lời mẹ. Phải. Xấu xấu như mấy em tôi, đứa nào cũng học hành, công việc đàng hoàng, lấy chồng giàu sụ, lâu lâu về ngựa xe oách lác, xóm làng nể nang, mát mặt mẹ cha!

Mẹ tôi không đẹp. Nói trắng ra là xấu. Tôi đẹp vì tôi giống ba. Thiên địa phong trần hồng nhan đa truân…, lời của ba.

Ác cảm luôn mang hiệu ứng vết dầu loang. Nó khởi phát từ mẹ tôi; và như khối u ác tính, âm thầm di căn sang các em tôi; những đứa em gái giống hệt mẹ từ ngoại hình sang não bộ.

Tôi không chỉ là nỗi nhục dành riêng cha mẹ; tôi còn là nỗi nhục của các em - những đứa em thành đạt, trí thức - khi có một người chị bệ rạc như tôi. Bất đắc dĩ mà cùng về một mái nhà. Gặp nhau miễn cưỡng. Chào hỏi miễn cưỡng.

Chuyện của người trí thức tôi nghe không vô. Chuyện một con rẩu* (bán cá) như tôi mọi người càng nghe không vô. Đành thôi, biết làm thế nào. Có thể nhà không cần tôi (hay chỉ cần để hợp thức hóa việc “điểm danh” trước họ mạc, bà con) nhưng tôi, tôi cần một gia đình.

Có cha mẹ, anh em dù gì vẫn hơn. Ghẻ lạnh, ngượng ngùng, khinh khi chi vẫn máu mủ ruột rà; máu loãng hơn nước lã huống chi đây là máu đặc! Con người cần có chốn để quay về. Mà nương náu, xả hơi. Mà liếm láp, băng bó các vết thương sau cuộc tả đột hữu xung giành quyền sống giữa nhân gian. Rách nát, tang thương chi cũng vẫn cội nguồn. Vậy; chứ tệ hơn tôi vẫn về…

3.

Ác cảm cũng không dừng nơi bản thân người mẹ hư là tôi. “Vết dầu” ấy loang sang cả các con tôi. Các con tôi cũng phải chịu tội tổ tông. Cái tội đã biến chúng thành những đứa cháu loại 2, rất ít hoặc hầu như không hề được ngoại hay dì cậu quan tâm.

Rau nào sâu nấy, lời bà ngoại. Coi cái mặt giống cha dữ kìa! Thằng này mơi mốt chắc tài dụ gái…, khen mỉa của dì Tư. Hình như tiên tri của mẹ ứng nghiệm: Con gái lớn tôi cũng lại hết lớp 9 bỏ học lấy chồng. Xe trước đổ đâu xe sau đổ đó, thấy chưa…, bà ngoại thở ra.

Đám cưới con, trừ ông ngoại ra không ai tới dự. Con em thứ 5 gặp tôi còn lên giọng: Bà lỡ hư rồi thì ráng dạy con cho nên chút chớ; sao cũng để nó hư??? Giỗ, Tết mấy đứa cháu loại 2 về, vòng tay chào hỏi, các bậc trưởng thượng chỉ ừ hoặc gật; xong tự do muốn ăn gì ăn, chơi gì chơi; không ai nhớ đến sự tồn tại của chúng chi cho mất công.

Cây xoài lai sau nhà trái rụng trắng gốc. Cu Bin thấy thèm, lấy hết can đảm lò dò theo ngoại hỏi xin. Ngoại gạt phắt, bảo xoài còn non. Vậy nhưng, mấy đứa nhỏ con dì Tư, dì Năm thích cứ tự tiện leo cây mà suốt** cả già lẫn non. Ngoại nghe cu Bin méc chỉ hề hề…

Con gái lớn bảo, mẹ, con không về ngoại nữa đâu. Tôi trợn mắt, không được, chim có tổ người có tông, ai đẻ mẹ mầy ra…

4.

Lâu rồi tôi không được bữa vui như vậy. Rượu giúp người ta xua buồn, quên đau, xóa đi những mặc cảm thân phận dài hơi. Rượu khiến tôi yêu thương con người hơn; những người là máu mủ, huyết thống, ruột rà với tôi.

Mà cũng không dừng nơi huyết thống ruột rà; tôi yêu thương tất cả những ai có mặt hôm nay, đang hiện diện quanh tôi. Phải rồi, hờn giận, ganh ghét nhau chi, em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời…. Rượu vào tê tê, thấy cuộc đời hồng hơn.

Chợt có ước muốn giãi bày, sẻ chia. Muốn mở lòng, thoải mái mà nhảy nhót, hát to lên về cái thông điệp yêu thương nên có giữa người với người…

Tôi bước ra sân khấu.

Ngật ngưỡng, bá vai chàng nhạc công trẻ đang đệm organ. Chơi cho chị bài “Hãy yêu nhau đi”. Dạ, có ngay. Như một sợi dây đang kéo căng đột ngột thả chùng, âm nhạc rời tiết tấu Bebop cuồng nhiệt chuyển sang dìu dặt điệu Valse.

“Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá, hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa, nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ, ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu…”.

Tôi đứng, vịn vai chàng nhạc công trẻ đẹp đệm đàn, nhìn sâu vào mắt anh mà hát, say mê hát. Rồi tôi cầm mic đi vòng quanh. Hát. Và lại cầm tay, bá vai bá cổ mọi người trong một nỗ lực kết nối thiện chí bất kể thân sơ. Phải rồi, hãy yêu nhau đi, hãy yêu nhau đi, hãy yêu nhau đi…

Loạng choạng về chỗ. Con Tư chồm qua, mắt đỏ vằn, sin sít hàm răng, bà đúng đánh chết không chừa, già đầu mất nết hoàn mất nết, đi bá cổ bá vai thằng đáng tuổi em…. Mẹ tiến đến, lẳng lặng quơ mấy lon bia, ném bịch bịch ra sân, dẹp, tao bảo, đừng uống nữa, nghe không! Cảm giác bẽ mặt cộng hưởng cùng men rượu xua cơn tức lồng lên.

Mẹ thật quá đáng. Dù gì, tôi cũng đã U50, cũng là chị hai của cái nhà này; lại còn trước mặt em út, khách khứa…. tôi đứng phắt, chống nạnh: Ý mẹ là sao? Không - cho - con - uống - nữa chớ gì??? Con Năm lập tức bay vào: Bà dám hỗn với mẹ hả? Đã hư còn láo…. Một cái tát bốp.

Mày dám… đánh chị mày??? Quá lắm rồi, lạy Phật từ bi, tao phải cho mày một bài học nhớ đời để biết dưới biết trên. Cánh tay tôi quàng nhanh qua, gập lại, kẹp cứng cổ khiến con Năm la oai oái. Bất ngờ, đuôi tóc tôi bị túm phía đằng sau, giật ngược…

Mẹ.

Hình như lâu lắm tôi không ăn đòn của mẹ. Mẹ còn khỏe hơn tôi tưởng. Và còn con Tư, con Năm hỗ trợ. Đòn hội chợ khiến tôi tối mặt tối mũi dù mọi người – sau pha chết sững – cũng kịp nhớ ra cần phải can ngăn. Thăng hoa cùng rượu bia, cùng cười nói anh em, cùng dìu dặt điệu Valse phút chốc đổ nhào.

Đến lượt tôi khóc. Nước mắt tức tưởi cho những chịu đựng, dồn nén bao năm, bao tháng, bao ngày. Tại sao, ông trời ơi, tôi có đòi điều gì quá đáng đâu. Tôi có làm điều gì quá đáng đâu. Tôi chỉ mong mọi người biết yêu thương, tha thứ, khoan dung. Chỉ vậy thôi mà…

Cu Bin mếu máo kéo tay tôi, mẹ, mẹ ơi, mình về thôi. Từ nay mẹ đừng về ngoại nữa nha, con sợ…. Mặt nó tái dại. Tôi lau nước mắt, đứng dậy dắt tay con, bậy nà, sao không về ngoại được con. Là tại mẹ, mẹ sai. Chắc mẹ sai rồi…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật