Thời điểm này, mặc dù chương trình năm học khối lớp 12 chưa kết thúc nhưng một số trường đại học (ĐH) đã lần lượt công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển học bạ. Đây là phương thức được nhiều trường sử dụng trong những năm gần đây
Từ 6 điểm/môn là trúng tuyển
Theo công bố của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Văn Lang, 60 ngành đào tạo hệ ĐH chính quy của trường có mức điểm trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024 từ 18 - 24 điểm.
Trong đó, nhóm ngành Răng hàm mặt, Y Khoa, Dược học là 24 điểm. Kế đến là Truyền thông đa phương tiện và quan hệ Công chúng với 20 điểm, cao hơn mức điểm sàn 2 điểm. Ngành điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học với 19.5 điểm. Các ngành học còn lại 18 điểm.
Tương tự, cùng ở đợt 1 này, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM lấy điểm chuẩn ở hai phương thức xét học bạ THPT của 63 ngành ĐH chính quy chỉ từ 18 đến 24 điểm.
Hai phương thức này gồm xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 12 và học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12.
Trong đó khối ngành sức khỏe có điểm chuẩn cao nhất, như ngành Dược 24 điểm, các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học 19.5 điểm. Tất cả các ngành còn lại đều 18 điểm.
Th.S Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của trường, cho biết ở đợt 1 này, trường nhận được hơn 4.300 hồ sơ đăng ký với hơn 12.000 nguyện vọng. Trong đó có hơn 10.500 nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển sớm về điểm học bạ.
Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển sớm của 41 Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024 cũng chỉ dao động từ 18 - 24 điểm. Điểm này gồm tổng điểm 3 học kỳ (gồm cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12); hoặc xét tổng điểm trung bình 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của cả năm lớp 12; hoặc điểm trung bình của cả 3 năm lớp 10, 11, 12.
Trong đó, nhóm ngành sức khỏe từ 19,5 đến 24 điểm, những ngành còn lại điểm trúng tuyển là 18 điểm.
Trường ĐH Kinh tế Tài Chính TP.HCM cũng đưa ra mức điểm trúng tuyển sớm cùng 18 điểm cho tất cả các ngành học theo tổ hợp xét học bạ ở đợt 1 này.
Các trường lưu ý đối với nhóm ngành sức khỏe, TS cần đảm bảo điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT. Như với ngành Dược, Răng hàm mặt, y khoa…TS cần đạt thêm điều kiện học lực cả năm lớp 12 loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 điểm trở lên; ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học, học lực cả năm lớp 12 từ loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6.5 điểm trở lên.
Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu và đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Văn Lang để được trúng tuyển sớm. Ảnh: LÊ MY
Cẩn trọng kẻo “ngã về không”
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm nay, các trường ĐH được thực hiện xét tuyển sớm. Bộ sẽ vẫn duy trì hỗ trợ thực hiện lọc ảo chung trong đợt 1 ở tất cả các phương thức và cho tất cả các TS muốn xét tuyển vào ĐH.
Do đó, trong thông báo trúng tuyển sớm, các trường đều lưu ý TS cần tuân thủ thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2024.
Cụ thể, để được công nhận trúng tuyển chính thức, bên cạnh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, TS phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định của Bộ.
Khi đó, các em được đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng, theo thứ tự mức độ ưu tiên giảm dần (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, 3…). Trong đó, nguyện vọng 1 là ngành mà TS yêu thích nhất trong các ngành đã trúng tuyển sớm ở các trường hoặc muốn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Việc này để đảm bảo cho TS chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất sau khi lọc ảo chung.
Để đảm bảo quyền lợi cho TS, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải đưa đầy đủ danh sách trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ.
“Các cơ sở phải tăng cường truyền thông, hướng dẫn TS đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung, tuyệt đối không được gọi TS nhập học sớm hoặc chậm giải quyết sai sót cho TS, làm ảnh hưởng quyền lợi của các em” – Bộ GD&ĐT lưu ý.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có đến 20 phương thức được các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng trong tuyển sinh. Trong đó, xét học bạ hiện nay vẫn được nhiều trường sử dụng, nhất là các trường ngoài công lập dành chỉ tiêu khá lớn.
Như thống kê của Bộ GD&ĐT ở năm 2023, xét học bạ là phương thức có kết quả xét tuyển cao thứ hai với 30,24%, chỉ xếp sau xét điểm thi tốt nghiệp THPT (49,45%).
Tuy nhiên, theo báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) tại hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2024 mới đây, kết quả đối sánh giữa hai nhóm TS trúng tuyển bằng điểm học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch lớn, đến 3 điểm thi. Còn đối sánh kết quả học tập THPT ở hai nhóm TS này, tỉ lệ chênh lệch khoảng 1 điểm. Trong đó, TS trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có kết quả cao hơn.
Từ đây, theo bà Thủy, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có phân loại tốt hơn. Do đó, Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường nào xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để có kết quả tốt.
Các mốc thời gian thí sinh cần nhớ
Ngày 27, 28, 29-6: thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Bộ GD&ĐT dự kiến công tác xét tuyển sớm hoàn thành trước 17 giờ ngày 8-7.
Dự kiến từ ngày 10-7 đến 17 giờ ngày 25-7: TS đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống bằng tài khoản đã được cấp.
Từ ngày 28-7 đến 17 giờ ngày 3-8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Dự kiến trước 17 giờ ngày 12-8, các cơ sở đào tạo hoàn tất công bố kết quả TS trúng tuyển đợt 1. Và trước 17 giờ ngày 18-8, TS hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.