Trên các hội nhóm kinh doanh và những diễn đàn bạn trẻ lại nổ ra bàn luận về vấn đề này.
Ngán ngẩm "dân laptop"
Những ngày nóng nực, người làm việc tự do hay học sinh, sinh viên… ôm laptop ra quán cà phê, quán nước để thay đổi không gian làm việc.
Tuy nhiên nhiều người không chọn vào các quán dành cho người làm việc, mà chọn cắm rễ ở các quán view đẹp, thoáng mát, thậm chí quán trà sữa… để ngồi hàng giờ.
Anh P. là chủ một quán cà phê lớn ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết quán anh được trang hoàng theo phong cách cổ điển, có không gian sân vườn và phòng điều hòa. Những ngày nắng nóng, rất nhiều khách là sinh viên đã mang laptop đến ngồi chật kín phòng điều hòa từ sáng đến tối. Sân vườn thì nóng, nhiều khách vào sau phải đi tìm quán khác.
Ngày hè quán anh luôn trong tình trạng hết chỗ, nhưng doanh thu lại sụt giảm nghiêm trọng.
"Vẫn biết khách nào cũng là khách, nhưng với mặt bằng mỗi tháng gần 50 triệu, chưa kể chi phí nhân viên, pha chế… mỗi món đồ uống có giá từ 19.000 - 39.000 đồng thì quán không trụ nổi khi dân laptop cắm rễ nguyên ngày mà chỉ gọi ly cà phê 19.000 đồng", anh P. nói.
Anh đang tính toán bỏ bớt ổ cắm điện, thay ghế lót nệm thành ghế gỗ để tránh "dân laptop" cắm rễ.
Chung tình trạng, anh H. là quản lý một quán trà sữa quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết ngày hè nắng nóng, nhiều sinh viên ôm laptop rời chỗ trọ đến ngồi từ sáng đến chiều tại quán trà sữa của anh.
"Ngày hè khách đến uống trà sữa đông vào giờ chiều. Nhiều người phải ra về vì không còn chỗ. Nếu khách tinh ý sẽ gọi thêm món khi ngồi quá 3-4 giờ", anh H. nói
Làm khách hàng văn minh
Trên các hội nhóm ăn uống, diễn đàn bạn trẻ ở Đà Nẵng, nhiều người mách nước nhau những cách ngồi làm việc ở quán sao cho văn minh.
Anh Tấn Khôi (22 tuổi, sinh viên ở Đà Nẵng) cho rằng "thuận mua vừa bán". "Nếu quán quy định khách chỉ được ngồi bao nhiêu tiếng thì đặt biển báo để khách cân nhắc chọn sử dụng dịch vụ của quán hay của quán khác. Tại sao lại mập mờ các điều kiện sử dụng dịch vụ và giá tiền sử dụng dịch vụ đó?", anh Khôi đặt câu hỏi.
Chị Ái Nhi (29 tuổi, một người làm việc tự do) chia sẻ ở Đà Nẵng có ít quán cà phê dành riêng cho người làm việc, nhất là khu vực xa trung tâm.
Các quán được giới thiệu dành riêng cho dân laptop mặc nhiên giá của đồ uống sẽ cao hơn, để đảm bảo khách ngồi lâu vẫn có lãi. Khách cũng chấp nhận mức giá đồ uống đó để "mua một chỗ ngồi" làm việc.
"Nếu ngồi ở quán cà phê không dành cho dân laptop, mình chọn bàn hai ghế, sẵn sàng nhường ghế khi khách đông và sử dụng pin trên máy tính đến khi hết mới sạc tại quán. Ngồi từ 3-4 tiếng thì mình gọi thêm một món ăn vặt để vui lòng đôi bên", chị Nhi cho hay.
Mách nhau cách thích nghi
Trên các hội nhóm kinh doanh ăn uống, nhiều chủ quán chỉ mẹo cho nhau để thích ứng với "dân laptop".
Anh Thái Tuấn (38 tuổi, chủ một chuỗi cà phê ở Đà Nẵng) cho rằng thay vì khó chịu, hãy cho nhân viên tế nhị hỏi họ có cần dùng thêm đồ uống hay đồ ăn nhẹ không, nếu khách ngồi quá lâu (từ sáng đến trưa). Vì nhiều người làm việc quá tập trung, họ bị đói hay khát mà không hay biết, lười đi gọi món mới. Khi được hỏi, họ sẽ gọi thêm.
Nếu quán không hướng đến tệp khách dân laptop thì có thể hạn chế sử dụng Internet thông qua việc cấp mật khẩu WiFi trên từng hóa đơn.
"Nếu quán không quá đông đến nỗi luôn kín chỗ, hãy gia tăng những bàn dành cho 2 người thay vì cứ để bàn 4 ghế. Nên trân trọng tệp khách này, vì họ cũng là "chim mồi" để tạo hiệu ứng quán luôn đông khách", anh Tuấn cho hay.