Cuối phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 16 xu, tương đương 0,2%, xuống mức 86,09 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2024 giảm 22 xu Mỹ, xuống 85,41 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 giảm 27 xu, tương đương 0,3%, xuống 81,35 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI kỳ hạn đều chịu áp lực bán kể từ khi đạt mức cao hơn 4 tháng vào tuần trước.
Đồng USD mạnh hơn đã gây áp lực lên dầu, với chỉ số đồng USD tăng phiên thứ hai liên tiếp. Đồng tiền Mỹ tăng giá khiến dầu, vốn được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu mua vào.
Các nhà phân tích cho biết dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ bất ngờ tăng vọt cũng làm tăng thêm áp lực lên giá dầu. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng trong khi tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/3 vừa qua. Các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) dự kiến tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ giảm 1,3 triệu thùng và tồn kho xăng giảm 1,7 triệu thùng.
Dữ liệu của EIA cho thấy nhu cầu xăng của nước này giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống 8,7 triệu thùng/ngày, từ 8,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Ba nguồn tin thân cận nói với Reuters rằng, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, gọi chung là OPEC+, khó có thể thay đổi chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng Sáu.
OPEC+ trong tháng này đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 6/2024, mặc dù Nga và Iraq đã phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy những khó khăn đó đã đặt ra câu hỏi về khả năng của nhóm trong việc tuân thủ các mức cắt giảm đã thỏa thuận, khi mà OPEC đã vượt mục tiêu sản lượng 190.000 thùng/ngày trong tháng Hai.