Sở Công Thương TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thành ủy và UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM. Tại tờ trình này, Sở đề xuất phát triển thêm một chợ đầu mối tọa lạc tại ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Nếu đề xuất trên thành hiện thực thì trên địa bàn huyện Hóc Môn sẽ có hai chợ đầu mối, trong đó chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Sóc (thuộc xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) đã hoạt động từ ngày 21.11.2003, là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM (chợ đầu mối Bình Điền diện tích 65 ha; chợ đầu mối Thủ Đức diện tích 20 ha; chợ đầu mối Hóc Môn diện tích 10 ha).
Theo Sở Công Thương, qua rà soát, đánh giá các yếu tố liên quan, song song với tập trung các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của các chợ đầu mối hiện hữu, Sở nhận thấy nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm một chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương là cần thiết.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, rà soát các yêu cầu, điều kiện, tiềm năng, cơ hội, Sở đã trao đổi, làm việc với địa phương (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn) về đề xuất phát triển chợ đầu mối.
Theo đó, ghi nhận huyện Hóc Môn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chợ đầu mối (vị trí, diện tích, giao thông, khả năng kết nối, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía nam và giao lưu quốc tế...). Từ đó thống nhất nội dung dự kiến nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối trên khu đất tọa lạc tại ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Quy mô diện tích chợ đầu mối dự kiến khoảng trên 100 ha.
Khoảng cách trên Google map từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đến địa bàn đề xuất xây thêm chợ đầu mối ở ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn
Chức năng chủ yếu của khu chợ đầu mối đề xuất xây mới: dự kiến tổng hợp các chức năng của trung tâm giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm logistic. Theo đó, cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện giao dịch mua - bán hàng hóa nông sản và các loại hàng hóa khác (hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, xuất khẩu...); thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic; phát triển các dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác); cung cấp thông tin thị trường; kết nối hình thành điểm đến tham quan, mua sắm phục vụ người dân, khách du lịch, hình thành các sản phẩm kinh tế đêm để gia tăng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đêm trên địa bàn TP.HCM.
Chợ đầu mối dự kiến được tổ chức theo mô hình tổ hợp giao dịch cùng với hoạt động logistics. Theo đó, khu chợ đầu mối dự kiến được thiết kế theo định hướng hàng hóa đa dạng, ngoài các mặt hàng nông sản thực phẩm, còn có hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, xuất khẩu...
Về phương thức thực hiện: Nhà nước quy hoạch khu vực, bố trí quỹ đất và thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ công tác xây dựng, phát triển chợ đầu mối. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và quản lý, khai thác hoạt động chợ đầu mối.
“Nhìn chung, mô hình hoạt động của chợ đầu mối được tổ chức theo hướng hiện đại phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời góp phần kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối.
Theo đó, chợ đầu mối được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Các giao dịch mua bán được thực hiện công khai, minh bạch, được quản lý và vận hành theo một quy trình mua bán thống nhất”, Sở Công Thương cho biết.