Tin liên quan
Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Phan Đức Phương làm chủ tọa, cùng 2 thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên và Lê Thị Tuyết Trinh.
Phiên tòa phúc thẩm này được mở vì bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 21/9/2023 có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, cựu giảng viên trường Đại học Luật TPHCM).
Cùng kháng cáo bản án sơ thẩm còn có người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan là bà Đinh Thị Lan (ngụ TPHCM), bà Đặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo, luật sư). Tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 21/9/2023 đã phạt các bị cáo Nhi, Hà, Tân mỗi bị cáo 18 tháng tù; bị cáo Quân bị phạt 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị phạt 3 năm tù. Cả 5 bị cáo cùng bị tuyên phạm vào tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, HĐXX xác định bà Nguyễn Phương Hằng là chủ mưu, các bị cáo Nhi, Hà, Tân và Quân là đồng phạm. Với sự giúp sức của các đồng phạm, bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức nhiều buổi livestream nhưng nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ) bà Đặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo, luật sư), ông Nguyễn Đức Hiển (phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá) và ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ).
Bà Nguyễn Phương Hằng thi hành án và xin vắng mặt
Để chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm diễn ra , HĐXX phúc thẩm đã có quyết định triệu tập bà Nguyễn Phương Hằng, dù không kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định triệu tập, bà Nguyễn Phương Hằng gửi đơn xin vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Hiện bà Hằng đang thi hành án tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo một chuyên gia Pháp Luật tại TPHCM, dù bản án sơ thẩm có kháng cáo và đưa ra xét xử phúc thẩm, tuy nhiên, theo Điều 282 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên có hiệu lực Pháp Luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Theo quy định này thì bản án sơ thẩm chỉ bị kháng cáo, kháng nghị một phần nền hiệu lực thi hành của bản án sẽ được xác định: Phần bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp Pháp Luật quy định cho thi hành ngay. Phần bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực Pháp Luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
“Như vậy, dù toàn bộ bản án chưa có hiệu lực Pháp Luật, nhưng quy định cho phép bà Hằng thi hành bản án sơ thẩm vì bà Hằng không kháng cáo” - vị chuyên gia nói.