Máy bay chiến đấu là một loại máy bay quân sự của lực lượng không quân, có chức năng trực tiếp tham gia chiến đấu tiêu diệt các lực lượng đối phương cả trên không, mặt đất, trên biển và cả trong vũ trụ.
Kể từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai trở đi, máy bay chiến đấu đều được trang bị động cơ phản lực một luồng, giúp máy bay tăng tốc nhanh, tính cơ động cao, nhưng tiêu hao nhiều nhiên liệu. Động cơ loại này có tuổi thọ ngắn, nhất là khi thực hiện tăng lực toàn phần.
Loại nhiên liệu sử dụng cho động cơ phản lực của máy bay chiến đấu là dầu hỏa hàng không hay còn gọi là xăng phản lực hay xăng máy bay. Nó được sử dụng rộng rãi trong hàng không quân sự và dân dụng để cung cấp sức mạnh và hiệu suất mạnh mẽ cho máy bay chiến đấu.
Theo các chuyên gia, xăng máy bay có độ bay hơi chậm, được pha thêm nhiều chất hóa học để có thể chịu được độ cao và không ăn mòn động cơ. Ngoài ra, xăng máy bay còn có đặc tính không bị đóng băng khi máy bay ở độ cao lớn, khi nhiệt độ ngoài trời âm mấy chục độ.
Có hai loại xăng máy bay phổ biến chính đó là xăng hàng không Jet A1 và xăng hàng không JP-8. JET A1 là loại xăng hàng không phổ biến nhất trên thế giới và phù hợp với hầu hết các động cơ phản lực quân sự và dân sự.
Xăng Jet A1 là một sản phẩm dầu nhẹ, có khả năng bắt lửa và mật độ năng lượng tốt, phù hợp với yêu cầu của động cơ phản lực công suất cao. Còn xăng JP-8 có pha thêm một số chất phụ gia đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các động cơ phản lực quân sự.
Những loại xăng máy bay này có nhiều ưu điểm, khiến chúng trở thành loại nhiên liệu được lựa chọn cho các máy bay chiến đấu. Trước hết, xăng hàng không có mật độ năng lượng cao, có thể cung cấp năng lượng và khả năng bay liên tục cho máy bay chiến đấu.
Thứ hai, độ ổn định của quá trình đốt cháy tốt, có thể đáp ứng các yêu cầu của động cơ phản lực về quá trình đốt cháy ổn định và đảm bảo hoạt động đáng tin cậy của động cơ. Ngoài ra, xăng hàng không cũng ít bắt lửa hơn, giúp giảm nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ ngoài ý muốn đối với máy bay chiến đấu.
Ngoài những ưu điểm này, xăng hàng không còn dễ bảo quản và xử lý. Nó tương đối ổn định trong quá trình lưu trữ và vận chuyển, và có thể được bảo quản trong một thời gian dài mà không bị hư hỏng.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng xăng hàng không trên thế giới đã tương đối hoàn thiện, với mạng lưới cung cấp và phân phối trên toàn cầu, đảm bảo cho các máy bay chiến đấu có thể tiếp cận nhiên liệu kịp thời.
Trong sử dụng thực tế, mức tiêu thụ nhiên liệu của máy bay chiến đấu quân sự là tương đối lớn, vì vậy việc phát triển các loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu cũng là một hướng đi quan trọng của các cường quốc hàng không như Mỹ, Nga hay châu Âu.
So với các loại nhiên liệu khác, xăng máy bay có hiệu suất nhiệt cao hơn, có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn; từ đó góp phần giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và tăng phạm vi hoạt động. Do vậy, giá của xăng máy bay cũng đắt hơn nhiên liệu cho các loại động cơ khác.
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ nhiên liệu của các động cơ phản lực trên máy bay chiến đấu thường rất lớn. Thông thường, tải trọng nhiên liệu của máy bay chiến đấu hạng nặng trang bị hai động cơ là khoảng từ 5-10 tấn, và mức tiêu thụ nhiên liệu mỗi giờ bay là khoảng 3 tấn.
Theo giá nhiên liệu trung bình của năm 2023 thì giá xăng máy bay Jet A1 bình là 143,4 USD/thùng (tương đương khoảng 14 triệu đồng/tấn), như vậy chi phí nhiên liệu cho một máy bay chiến đấu trong mỗi giờ bay cần 42 triệu. Đây là vẫn chưa sử dụng chế độ đốt sau, và một khi chế độ đốt sau được bật cho hành trình siêu thanh, 42 triệu nhiên liệu chỉ đủ cho khoảng nửa giờ.
Tóm lại, máy bay chiến đấu quân sự thường sử dụng xăng hàng không làm nhiên liệu vì có ưu điểm là mật độ năng lượng cao, ổn định, đốt cháy tốt, dễ dàng lưu trữ và xử lý, cũng như chuỗi cung ứng tốt và tiết kiệm nhiên liệu. Trong đó xăng JET A1 và JP-8 là loại phổ biến nhất.