Năm 2005, các nhà khảo cổ thông báo về việc tìm thấy vật tổ hình rồng cổ nhất Trung Quốc trong cuộc khai quật ở khu di tích Erlitou, thành phố Yanshi, tỉnh Hà Nam. Erlitou được giới nghiên cứu tin rằng là thủ phủ của triều đại nhà Hạ (2100 trước Công nguyên - 1600 trước Công nguyên).
Xu Hong, người phát hiện ra vật tổ hình rồng, cho biết hiện vật cổ xưa này được khai quật từ ngôi mộ của một vị quan trong cung điện ở Erlitou.
Theo các nhà nghiên cứu, vật tổ hình rồng có chiều dài 70,2 cm. Nó được tạo thành từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam và mỗi mảnh chỉ dày 0,1 cm và dài từ 0,2 - 0,9 cm.
Giới chuyên gia cho hay, việc tìm thấy một tạo vật hình rồng tinh xảo như vậy vào giai đoạn lịch sử trên là rất hiếm. Do mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học nên việc nghiên cứu vật tổ hình rồng cổ nhất Trung Quốc này hứa hẹn giải mã được nhiều điều bí ẩn về nhà Hạ.
Theo các nhà nghiên cứu, vật tổ hình rồng trên có thể được gắn vào một trượng quyền sử dụng trong các nghi lễ hiến tế.
Từ đó, giới chuyên gia suy đoán vật tổ hình rồng có thể thuộc về một vị quan phụ trách nghi lễ tế lễ của nhà Hạ.
Hình ảnh rồng trước đó cũng xuất hiện trên một số món đồ gốm, phiến đồng tìm thấy tại Erlitou. Tuy nhiên, một số trông giống con rắn trong khi số còn lại có hình dáng giống rồng ngày nay nhưng có móng vuốt của chim và vây cá.
Những hiện vật được trang trí hình rồng được tìm thấy gần khu vực hoàng cung của nhà Hạ. Điều này khiến giới nghiên cứu nhận định rồng đã trở thành biểu tượng quyền lực của hoàng đế và hoàng tộc nhà Hạ. Các triều đại tiếp theo trong lịch sử Trung Quốc cũng sử dụng biểu tượng rồng giống như vậy.