Phạt cảnh cáo là gì?
Cảnh cáo được hiểu là một hình thức xử phạt vi phạm, khi một người nào đó có hành vi vi phạm, làm sai quy định, quy tắc mà ở mức nhẹ có thể sửa sai. Hình thức phạt cảnh cáo là hình thức xử phạt trong nhiều lĩnh vực Pháp Luật khác nhau, trong đó có vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
Điều 34 Bộ luật Hình Sự 2015 quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”.
Trong Hình Sự, hình phạt cảnh cáo là là trong 7 hình phạt chính, đồng thời cũng chính là hình phạt nhẹ nhất.
“Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo.
b) Phạt tiền.
c) Cải tạo không giam giữ.
d) Trục xuất…”.
Như vậy cảnh cáo có thể coi là hình phạt nhẹ chỉ nhằm răn đe tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Pháp Luật trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực giao thông.
Phạt cảnh cáo vi phạm giao thông trong trường hợp nào?
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt cảnh cáo vi phạm giao thông trong các trường hợp như sau:
Trường hợp 1
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 13. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định”.
Như vậy với trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thi công trên đường bộ đang khai thác; Không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung… sẽ bị phạt cảnh cáo (hoặc phạt tiền theo quy định). Vi phạm của tổ chức, cá nhân trong trường hợp này phải là vi phạm nhỏ và có tình tiết giảm nhẹ.
Trường hợp 2
Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định trường hợp này sẽ bị phạt cảnh cáo: “Điều 15. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chăn dắt súc vật ở mái đường, buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ.
b) Tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu”.
Như vậy với hành vi leo trèo mố, trụ, gầm cầu hay chăn dắt xúc vật ở mái đường, buộc súc vật vào cọc tiêu, biển báo,… như quy định trên thì cá nhân, tổ chức sẽ có thể bị phạt cảnh cáo với mức độ vi phạm nhẹ.
Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn tài xế ô tô. (Ảnh: Xuân Tiến)
Trường hợp 3
Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
Đối với trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy… mà vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, thường sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo vì những đối tượng trong độ tuổi này là người chưa thành niên vi phạm giao thông với khả năng nhận thức còn hạn chế nên hình thức xử phạt chỉ mang tính răn đe, chấn chỉnh về mặt tinh thần, để không tái diễn vi phạm, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm Pháp Luật.