Làn sóngnông dân châu Âu biểu tình kéo dài nhiều tuần nay. Họ lái máy kéo chặn các đường phố, các tuyến đường dẫn về các cảng, khiến giao thông tắc nghẽn, thậm chí lái xe kéo xe tải về bao vây tòa nhà Nghị viện châu Âu, theo đài CNN.
Các cuộc biểu tình diễn ra dữ dội nhất ở Pháp. Ngoài ra, nông dân các nước Ý, Tây Ban Nha, Romania, Ba Lan, Hy Lạp, Đức, Bồ Đào Nha và Hà Lan cũng có những cuộc biểu tình lớn.
Nông dân châu Âu biểu tình, đổ rác chặn đường cao tốc gần Vesoul (miền đông nước Pháp). Ảnh: AFP
Các số liệu mới nhất cho thấy nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, việc nông dân châu Âu biểu tình lại có sức tác động lớn đến toàn châu Âu. Do đó, chính phủ các nước châu Âu và EU đang nỗ lực tìm cách ngăn các cuộc biểu tình lan rộng và thỏa hiệp với nông dân.
Chuyện gì đã xảy ra?
Làn sóng nông dân châu Âu biểu tình bắt đầu từ tháng 1 và gây chấn động dư luận.
Tại Pháp, nông dân chặn các đường cao tốc chính dẫn đến thủ đô Paris và các TP Lyon và Toulouse. Hôm 31-1, nhà chức trách đã bắt 91 người vì cản trở giao thông và gây thiệt hại gần chợ Rungis (phía nam Paris). Đây cũng là trung tâm phân phối thực phẩm quan trọng của Pháp.
Hồi tháng 1, các thành phố ở Đức đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng khi hàng ngàn nông dân biểu tình bất chấp nhiệt độ xuống thấp. Các tuyến đường bị tắc nghẽn nằm tại các TP trải dài từ đông sang tây, bao gồm Hamburg, Cologne, Bremen, Nuremberg và Munich.
Nông dân lái máy kéo biểu tình tại Cổng Brandenburg ở Berlin (Đức). Ảnh: AFP
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, hàng dài xe tải đậu gần biên giới Tây Ban Nha.
Cũng trong tuần này, nông dân Hy Lạp lái máy kéo tuần hành về phía TP Thessaloniki – TP lớn thứ hai của nước này, nhằm chặn các tuyến đường quan trọng trong TP.
Tại Bỉ, nông dân tiến đến các cửa khẩu nối nước này với Hà Lan ở Zandvliet, Meer và Postel, gây ra sự ùn ứ nghiêm trọng tại các khu vực này.
Cuối tuần rồi nông dân từ nhiều nước châu Âu lái xe máy kéo và xe tải tiến về Brussels (Bỉ) – trung tâm của châu Âu, trước thềm hội nghị của các nhà lãnh đạo EU về Ukraine. Một lượng lớn nông dân đã bao vây tòa nhà Nghị viện châu Âu.
Nguyên nhân nông dân châu Âu biểu tình
Theo CNN, sự bất mãn các chính sách kinh tế, các chính sách về môi trường là nguyên nhân chung của các cuộc biểu tình. Ngoài ra, nông dân ở các nước cũng lý do riêng để kêu gọi biểu tình.
Nông dân khắp EU bất bình khi chi phí năng lượng, phân bón, vận tải tăng lên trong khi các chính phủ giảm giá lương thực trong bối cảnh lạm phát. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy giá các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao đỉnh điểm vào năm 2022. Sau đó giá có giảm trung bình gần 9% từ quý III năm 2022 đến quý III năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao.
Tại Pháp, kế hoạch của chính phủ về việc loại bỏ dần việc giảm thuế đối với nhiên liệu diesel nông nghiệp khiến nhiều nông dân bất bình. Ngoài ra, nông dân Pháp cho rằng pháp nhập khẩu hàng nông sản nước ngoài giá rẻ khiến thị trường tồn tại cạnh tranh không lành mạnh.
“Chúng tôi phải chịu những hạn chế rất lớn, đồng thời có những sản phẩm từ bên ngoài châu Âu cạnh tranh với chúng tôi. Những sản phẩm này không cần phải áp dụng những quy tắc mà chúng tôi buộc phải tuân theo” – nông dân Emmanuel Mathé nói với CNN.
Nông dân, đặc biệt là ở Đông Âu, tiếp tục lên tiếng bất bình về việc nhập khẩu nông sản giá rẻ từ Ukraine, bao gồm ngũ cốc, đường và thịt. Trước đó, EU đã miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Hồi năm 2023, nông dân ở các nước Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Romania và Bulgaria, biểu tình phản đối việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, vì cho rằng việc nhập khẩu khiến giá lương thực trong nước giảm và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ngũ cốc địa phương.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng và hạn hán đang ngày càng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nông dân. Nhiều người bày sự bất bình về các mục tiêu môi trường của EU
Ông Renaud Foucart – giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Lancaster (Anh) – chỉ ra Thỏa thuận Xanh châu Âu là nguyên nhân khiến nhiều nông dân tức giận. Theo đó, thỏa thuận này áp dụng các biện pháp hạn chế như thuế carbon, cấm thuốc trừ sâu, hạn chế phát thải nitơ và hạn chế sử dụng nước, đất.
Ông Foucart cho rằng nông dân đang cố gắng trì hoãn các quy định của Thỏa thuận Xanh càng lâu càng tốt.
EU và chính phủ các nước đang làm gì để xoa dịu biểu tình?
Ở cấp độ EU, hồi cuối tháng 1, khối này đã hoãn áp dụng các quy định yêu cầu nông dân phải dành một phần đất hoang để bảo tồn đa dạng sinh học đất. Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ gia hạn việc đình chỉ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Ukraine thêm một năm nữa, tức là đến tháng 6-2025.
Ở cấp quốc gia, Đức đã rút lại một phần kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel nông nghiệp. Trong khi đó, Hy Lạp tuyên bố sẽ gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt đối với dầu diesel nông nghiệp thêm 1 năm, nhằm đáp lại yêu cầu của những nông dân bị mất mùa màng và vật nuôi trong trận lũ lụt tàn khốc hồi năm 2023.
Pháp cũng đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nông dân. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cam kết bảo vệ “chủ quyền lương thực”. Ông khẳng định Pháp sẽ tăng cường kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu “không tôn trọng các quy tắc của chúng tôi ở cấp độ châu Âu và Pháp”.
Ông Attal cũng tuyên bố phân bổ 150 triệu euro (162 triệu USD) cho nông dân chăn nuôi “nhằm hỗ trợ về thuế và hỗ trợ xã hội, bắt đầu từ năm nay và tiếp tục trên cơ sở lâu dài”.