Thời điểm cuối năm, các bữa tiệc tất niên liên miên, thói quen ăn nhiều món chiên, xào và nước ngọt, đồ uống có cồn… hơn, khiến nhiều người mất kiểm soát về dinh dưỡng, gây ra hệ lụy sức khỏe phải nhập viện. Cùng đó, miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm kéo dài, khiến số người nhập viện vì bệnh đột quỵ, tim mạch… tăng đáng kể.
Thông tin từ bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong đợt rét ở phía bắc hơn 1 tuần nay, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước. Lý do vì vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè; sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Tại Trung tâm đột quỵ - bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đột quỵ trong đợt rét đậm cuối năm đã tăng hơn 20% so với ngày bình thường. Đáng chú ý, trong đợt rét này, lượng bệnh nhân đột quỵ là người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng rõ rệt. Trong tuần qua có 2 người dưới 40 tuổi vào cấp cứu tại Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức.
PGS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, trời lạnh khiến áp lực dòng máu tăng cao, nhiều người tăng huyết áp đột ngột gây đột quỵ. Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ gây co mạch, môi trường lạnh khiến nhiều người mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, là nguyên nhân gây ra đột quỵ não.
Hay tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong mấy ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân vào khám giảm nhưng số người nhập viện do đột quỵ chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Một vấn đề sức khỏe đáng chú ý khác trong dịp cuối năm là ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu. Tuần trước, tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận một ca tử vong (nam, 50 tuổi, ở Nam Định) do nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi mổ lợn, chế biến tiết canh để ăn liên hoan tất niên.
Hay tại TP HCM, trong tuần trước, 5 gia đình gồm 23 người tổ chức tiệc tất niên cuối năm tại một nhà hàng, sau bữa liên hoan thì 20 người xuất hiện các biểu hiện tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn, ói, đau đầu, bủn rủn tay chân do ngộ độc thức ăn…
Bộ Y tế cho biết, thời gian trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu giao lưu, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp tết như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; đảm bảo vệ sinh cá nhân; đảm bảo dinh dưỡng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh..
Cũng theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, ngày Tết, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, uống nhiều rượu bia, đặc biệt ép nhau uống rượu bia thì không phải là nét “văn hóa” và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Đối với người có uống rượu bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội, Bộ Y tế khuyến cáo: Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống; Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng;
Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia. Ngoài ra, sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời.