Lo lắng khi học phí tăng
Theo Nghị định 97 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Chính phủ, học phí các trường đại học công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023-2024 nhưng mức tăng lùi 1 năm so với Nghị định 81.
Cụ thể, mức tăng học phí sẽ khác nhau, tùy theo mức độ tự chủ và từng khối ngành đào tạo. Tại trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ), học phí tối đa trong năm học 2023-2024 từ 12-24,5 triệu đồng/năm (năm học 10 tháng). So với năm học trước đó, học phí tăng thêm 2,2-10,2 triệu đồng tùy khối ngành.
Cũng trong năm học 2023 - 2024, học phí trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa 24-49 triệu đồng/năm. Trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí tối đa 30-61,25 triệu đồng/năm. Như vậy, học phí các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư cũng tăng thêm 9,5 đến 10,75 triệu đồng so với năm học 2022-2023.
Trước lộ trình tăng học phí, Nguyễn Hữu Quang (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải) cho rằng, việc tăng học phí với em là khá áp lực bởi em phải sống xa nhà và phải chi trả nhiều loại phí như điện, nước, lương thực thực phẩm… khi theo học tại thành phố. "Trong bối cảnh giá cả ngày một tăng cao, khi học phí tăng, em sẽ phải tính toán làm thêm nhiều việc hơn để hỗ trợ them cùng gia đình những chi phí sinh hoạt hằng ngày, tiền sách vở và chi phí phát sinh khác nữa.
Việc đóng mức học phí cao hơn thì chúng em sẽ có được điều kiện học tập tương ứng. Tuy nhiên, em cũng mong muốn nhà trường có thêm nhiều chính sách cho sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí hoặc tăng cường học bổng theo từng kỳ học. Điều này sẽ giúp sinh viên chúng em có thêm động lực phấn đấu đồng thời và cũng là giải pháp nhằm gỡ khó tài chính cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn"
Tương tự, Trần Bảo Phúc (sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại thương) cho biết, nếu mức học phí tăng lên, em mong chất lượng giảng dạy của các chương trình mà mình theo học cũng được nâng cao đồng thời có thêm nhiều buổi ngoại khoá để sinh viên có thể thực hành nhiều hơn".
Không chỉ sinh viên mà những học sinh lớp 12 trong giai đoạn tìm hiểu về ngành nghề, trường học để đăng kí cũng đắn đo xem ngôi trường mà mình mơ ước có phù hợp với tài chính hiện tại của gia đình không. Nguyễn Đức Minh (học sinh lớp 12 ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Thời gian tới đây, khi chuẩn bị hồ sơ để xét tuyển vào đại học chắc chắn em sẽ phải cân nhắc và lựa chọn trường đại học mà có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình thay vì ưu tiên chọn trường theo sở thích".
Giải đáp băn khoăn
Từ phía trường đại học, PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường rà soát toàn bộ các ngành, nhóm ngành đào tạo hiện có. Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định, yên tâm cho sinh viên cũng như cho gia đình người học, nhà trường dự kiến mức tăng nhẹ, khoảng 8%.
Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, nguyện vọng của phụ huynh với các trường về việc tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng là chính đáng. Bản thân các cơ sở đào tạo đại học cũng nhận thức rõ điều này để có sự chủ động và nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học cũng như tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho sinh viên. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, nhà trường đã dành khoảng 68 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn, sinh viên gia đình chính sách...
Đối với Trường ĐH Giao thông vận tải, PGS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin, nhà trường sẽ rà soát lại mức phí năm học 2023-2024 đã công bố và căn cứ quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP để có sự điều chỉnh phù hợp, đúng quy định và sẽ công bố công khai, cụ thể cho sinh viên về lộ trình, mức thu của các chương trình đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công thương TP.HCM cho biết: Năm học này, trường đã thu học phí ở mức trung bình trên 23,7 triệu đồng/năm (tương đương 785.000 đồng/tín chỉ). Mức thu hiện thấp hơn nhiều so với trần tối đa được phép áp dụng cho trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư trong Nghị định 97. Tuy nhiên, trường quyết định không thu thêm của người học bởi ngay thời điểm trước tuyển sinh, trường đã công bố mức học phí nên sẽ thực hiện đúng cam kết và giữ ổn định học phí trong suốt khóa học.
Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường đại học cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học khi tăng học phí.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GD&ĐT cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp; đồng thời, tiếp tục rà soát chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục đại học. Phía các nhà trường, đa dạng hóa các loại quỹ khuyến học, học bổng và kênh thức vay vốn là những việc đã, đang được duy trì, mở rộng và truyền thông.