Kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực
Theo ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS), kinh tế 11 tháng năm 2023 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,95% (tính đến ngày 30.11.2023). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm theo đúng định hướng của Chính phủ, thậm chí lãi suất huy động một số ngân hàng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng vẫn tăng chậm, đạt 8,21% tính tới ngày 22.11.2023.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận chuyển biến tích cực, quy mô phát hành mới duy trì tương đối tốt so với các tháng đầu năm, tình hình gia hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu với các trái chủ diễn ra suôn sẻ hơn. Trong khi đó, số lượng mã trái phiếu đăng ký trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng nhanh, đây là tiền đề nâng cao tính thanh khoản, minh bạch của thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn lớn, thanh khoản và khả năng chi trả nợ gốc và lãi của một số doanh nghiệp hạn chế trong khi một số quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) sắp hết hiệu lực, cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Dưới góc nhìn của mình, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, thấy rằng nền kinh tế Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2023 dần cải thiện, đặc biệt là quý III tăng trưởng trên 5,3%. Với các chính sách kích thích kinh tế, từ việc thúc đẩy nhanh đầu tư công hay việc xử lý, giải quyết các vấn đề trên thị trường trái phiếu, cũng như tháo gỡ các vấn đề pháp lý về thị trường bất động sản, giảm lãi suất và thúc đẩy cho các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ được vốn, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng tăng trưởng quý IV sẽ tăng tốc.
Một điều quan trọng nữa là xuất khẩu đã bắt đầu tăng trưởng dương trở lại. Đây là một trong những điều kiện tiền đề cho năm 2024 trở lại giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Nhưng vì sao thị trường chứng khoán vẫn thiếu ổn định…?
Dù kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tích cực song thị trường chứng khoán sau khi sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm lại điều chỉnh giảm và phần lớn là đi ngang, thanh khoản trồi sụt không bền vững. Lý giải điều này, ông Lê Quang Chung cho rằng, diễn biến của thị trường phụ thuộc và chính sách kinh tế vĩ mô và "sức khỏe" doanh nghiệp. Giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh với thanh khoản tăng cao - đó là thời điểm có sự thay đổi chính sách vĩ mô, và đợt tăng giá đó đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ.
“Khi tăng lên mặt bằng giá cao, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa cải thiện như kỳ vọng, thị trường điều chỉnh và dòng tiền đầu cơ thu hẹp lại. Chúng tôi cho rằng đây là hiện tượng tương đối bình thường. Về tổng thể, thị trường chứng khoán vẫn đi lên như cách mà các doanh nghiệp kinh doanh đang phục hồi dần”, ông Chung cho biết.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, thị trường chứng khoán cũng đã có 8 tháng tăng trưởng khá tốt, thanh khoản gia tăng và thu hút nhà đầu tư. Có lẽ nhà đầu tư kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế phải theo kịp và nhanh, theo như tốc độ tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên sau khi kết quả kinh doanh quý III.2023 được công bố, có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chịu áp lực chi phí tài chính khá cao, bởi trước đó lãi suất đã tăng nhanh trong khi khả năng tiếp cận vốn còn khó khăn. Chỉ có các doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt, nhóm bất động sản cũng chịu nhiều vào lực. Giá cổ phiếu đã hấp thụ rất lớn những thông tin tích cực, do vậy, khi thị trường đạt đến 1.245 điểm đã lập tức tạo áp lực chốt lời của rất nhiều nhà đầu tư. Chốt lời xong, nhà đầu tư phải chờ đợi thêm những tín hiệu mới từ nền kinh tế…
Về sự thận trọng của nhà đầu tư, ông Tuấn cho rằng, họ đang chờ đợi bởi vì thị trường bất động sản dù có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa có sản phẩm mới nào để đưa ra thị trường. Sự phát triển quá nóng trước đây của thị trường bất động sản đã gây ra những hậu quả này. Còn nhóm ngân hàng cũng chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng. Trong khi đó, cấu trúc của thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn, khoảng 30%, 40% trong VN-Index.
Cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, ông Lê Quang Chung cho rằng, trên cơ sở những chính sách đã và đang thực hiện, có thể bổ sung những chính sách như đẩy mạnh đầu tư công vào phân khúc kinh tế số, đặc biệt là về hạ tầng số, khuyến khích tập trung vào 5G, Internet vạn vật, trung tâm điện toán thông minh, trung tâm dữ liệu, internet vệ tinh...
Về các mảng kinh tế số, khuyến khích tập trung vào trung tâm dữ liệu, internet công nghiệp, dữ liệu lớn, bảo mật dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Kích hoạt mạnh thị trường vốn bằng cách tăng cung hàng chất lượng và mở rộng cấp phép thành lập các công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư tổ chức... cũng như tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa và đưa lên sàn sớm, giúp thị trường vốn sôi động và bền vững hơn…
Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng cho rằng phải củng cố lại niềm tin nhà đầu tư. Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Vấn đề là chúng ta phải quyết liệt thực hiện những giải pháp này, đưa nó vào thực tiễn sâu hơn. Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp, khả năng dòng tiền sẽ sớm quay lại. Bởi với lãi suất tiết kiệm chỉ 5%, thậm chí dưới 5%, thì trong trường hợp có những doanh nghiệp đang có giá 10.000 đồng nhưng đã chia cổ tức tới 15% hay tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm - rõ ràng so với gửi tiết kiệm, đầu tư vào chứng khoán sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần lựa chọn doanh nghiệp tốt để đầu tư và hiện nay có nhiều doanh nghiệp như vậy trên sàn chứng khoán.
Ông Lê Quang Chung cho rằng, các yếu tố như giải pháp nâng hạng thị trường mà chúng ta vẫn mong chờ hay phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống KRX sẽ tiếp tục cải thiện thanh khoản thị trường. Việc các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh cũng sẽ là các yếu tố thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trong năm 2024.