Thị trường khí đốt hóa lỏng LNG toàn cầu 2024: Sẽ “cân bằng tuyệt vời”, Trung Quốc và châu Âu vẫn là ẩn số

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc đã giành lại vị trí nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới trong năm nay và sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu toàn cầu vào năm 2024.
Thị trường khí đốt hóa lỏng LNG toàn cầu 2024: Sẽ “cân bằng tuyệt vời”, Trung Quốc và châu Âu vẫn là ẩn số
Dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) 2 Bắc Cực, ‘sự khen ngợi về tính chuyên nghiệp’ của tập đoàn khí đốt tư nhân lớn nhất nước Nga? (Nguồn: Novatek)

Các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ra mắt trong năm nay và lượng dự trữ khí đốt cao ở châu Âu cũng như Bắc Á vào đầu năm 2024 đã góp phần hạn chế mức tăng giá giao ngay trong 6 tháng tới. Các nhà phân tích dự báo một thị trường "cân bằng tuyệt vời".

2023 - Tình trạng dư cung

Theo báo cáo của tổ chức Global Energy Monitor, việc phát triển dự án LNG toàn cầu, được thúc đẩy bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đã thành hiện thực trong năm nay, khi Mỹ và Qatar củng cố vị trí là nhà xuất khẩu hàng đầu, còn các nước châu Á và châu Âu cạnh tranh mua hàng.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi cơ sở hạ tầng khí đốt toàn cầu (GGIT) cho thấy, các quốc gia hàng đầu đang phát triển các kho xuất khẩu LNG mới với công suất lần lượt là Mỹ (336,9 triệu tấn/năm), Nga (164,1 triệu tấn/năm), Canada (75,8 triệu tấn/năm), Mexico (69,3 triệu tấn/năm) và Qatar (49 triệu tấn/năm).

Trong khi các dự án LNG mới còn ít được đưa vào hoạt động trong những năm gần đây, một làn sóng các dự án mới khác (một nửa trong số đó đang được xây dựng ở Mỹ và Qatar), với tổng công suất lần lượt là 74 triệu tấn và 33 triệu tấn - có thể làm bão hòa thị trường LNG toàn cầu, làm tăng cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu và khiến một số dự án không có lãi. Tình trạng dư cung tiếp theo có thể khiến chính phủ và nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ, ‘chôn vốn’.

Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu tại các khu vực ở mức: Châu Á (454 triệu tấn/năm), châu Âu (183 triệu tấn/năm). Trong đó, Trung Quốc (267,9 triệu tấn/năm), Ấn Độ (75,2 triệu tấn/năm) và Đức (65,4 triệu tấn/năm), là những thị trường có nhu cầu cao nhất.

Tuy nhiên, nhu cầu LNG ở châu Âu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi lục địa này theo đuổi chương trình khử cacbon và sự nhạ‌y cả‌m về giá của nhiều nhà nhập khẩu châu Á đã đặt ra câu hỏi về dự báo tăng trưởng nhu cầu LNG.

Giá LNG giao ngay tại châu Á đạt trung bình khoảng 18 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) trong năm nay, giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 70 USD/mmBtu vào năm 2022, thời điểm Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong bối cảnh nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022).

Sau đó, giá khí đốt tăng vọt, khiến người mua khắp thế giới, từ Trung Quốc tới Bangladesh, đổ xô chốt hợp đồng nguồn cung cấp dài hạn mới từ Qatar và Mỹ. Các quốc gia ưu tiên an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy sử dụng than và năng lượng tái tạo.

Còn trong năm 2024 sắp tới, cần theo dõi những yếu tố nào về thị trường khí đốt toàn cầu?

Thêm nguồn cung

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, các thiết bị đầu cuối phục vụ cho các dự án LNG mới được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023 sẽ thúc đẩy sản lượng LNG toàn cầu lên 418 triệu tấn vào năm 2024, tăng từ mức 405 triệu tấn trong năm nay.

Các dự án LNG hiện có gồm: Dự án Greater Tortue Ahmeyim giữa Senegal và Mauritania, dự án LNG nổi Congo, nhà máy Altamira ở Mexico và tàu 3 thuộc dự án LNG Tangguh của Indonesia.

Các dự án bắt đầu vào năm 2024 gồm giai đoạn một của Plaquemines LNG ở Mỹ và giai đoạn 1 của LNG-2 Bắc Cực của Nga. Tuy nhiên, dự án của Nga đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, do đó, nguồn cung của nó chưa được chắc chắn.

Nhà phân tích Xi Nan của công ty tư vấn năng lượng Rystad cho biết, thị trường dự kiến sẽ thiếu 4 triệu tấn LNG so với nhu cầu toàn cầu là 422 triệu tấn, vì nguồn cung năm tới đã được bán hết theo hợp đồng có thời hạn.

Rystad dự báo, giá giao ngay tại châu Á sẽ đạt trung bình 15 USD/mmBtu vào năm 2024, trong khi cơ quan định giá ICIS dự đoán mức thấp là 10 USD/mmBtu từ tháng 5 đến tháng 6 trước khi tăng.

Ông Ciaran Roe, Giám đốc toàn cầu về LNG tại S&P Global Commodity Insights nhận định, mặc dù nửa cuối năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều dự án LNG đi vào hoạt động hơn so với 18 tháng trước đó, nhưng thị trường sẽ vẫn “cân bằng” cho đến lúc đó, bất kỳ thay đổi nào về phía nguồn cung đều có thể gây ra áp lực tăng giá.

Nhu cầu từ Trung Quốc

Trung Quốc đã giành lại vị trí nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu thế giới trong năm nay và sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu toàn cầu vào năm 2024.

Theo dự báo của ICIS và Rystad, nhập khẩu của nước này sẽ tăng trở lại lên gần 80 triệu tấn vào năm tới, từ khoảng 70 triệu tấn trong năm 2023, vượt qua kỷ lục 78,79 triệu tấn của năm 2021.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu sẽ phụ thuộc vào giá LNG, việc sử dụng than và năng lượng tái tạo cũng như khả năng sản xuất trong nước và nhập khẩu khí đốt qua đường ống.

Nhà phân tích Alex Siow của ICIS cho biết: “Trung Quốc sẽ là điểm sáng trong việc thúc đẩy nhu cầu LNG nhưng có một phân khúc lớn ở đó nhạ‌y cả‌m về giá”. Ông nói thêm rằng, nhu cầu sẽ phụ thuộc vào mức giá thấp và thời gian duy trì ở mức thấp đó.

Theo chuyên gia này, những người mua châu Á nhạ‌y cả‌m về giá khác cũng sẽ tiếp tục giảm tiêu thụ khí đốt, thay vào đó, họ sử dụng than và dầu di‌esel.

Trong khi đó, nhà phân tích Roe của S&P Global cho biết, Trung Quốc khó có thể đạt được mức tăng trưởng như đã từng đạt trong nửa cuối thập niên trước trừ khi có những thay đổi chính sách đáng kể và giá LNG giảm xuống dưới 10 USD/mmBtu.

Ông nói: “Tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo ở Trung Quốc và Ấn Độ rất cao, điều này sẽ hạn chế việc sử dụng LNG trong sinh hoạt ở các đô thị và sản xuất công nghiệp”.

Sức mua của châu Âu

Việc châu Âu thoát khỏi mùa Đông sẽ tác động như thế nào đến nỗ lực tái cấu trúc và cân bằng nguồn cung thị trường toàn cầu vào năm 2024?

Dự báo về nhập khẩu LNG của khu vực trong năm tới là khác nhau. Rystad Energy và công ty tư vấn Energy Aspects dự báo sẽ tăng, trong khi Wood Mackenzie và S&P Global dự đoán sẽ giảm.

Chuyên gia Roe của S&P Global cho biết: “Nhu cầu LNG của châu Âu được dự báo sẽ điều chỉnh hơn nữa, lục địa này có thể sẽ kết thúc mùa Đông với lượng dự trữ cao hơn những năm trước”.

Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao về LNG của Energy Aspects, Jake Horslen, cho biết, dự báo châu Âu sẽ nhập khẩu 112 triệu tấn vào năm 2024 so với 109 triệu tấn trong năm nay do “nhu cầu cao hơn một chút” từ ngành điện dân dụng và thương mại cũng như nhu cầu công nghiệp.

Vấn đề vận chuyển

Hạn hán nghiêm trọng làm giảm lưu lượng tàu qua kênh đào Panama trong năm nay đã hạn chế số lượng tàu LNG đi từ Mỹ đến Đông Á. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm tới.

Số lượng tàu LNG của Mỹ đi qua kênh đào Panama đến châu Á đã giảm một nửa trong tháng 11 vừa qua so với một năm trước. Thống kê cho thấy, chỉ 22 tàu được phép đi qua kênh đào này mỗi ngày và sẽ giảm xuống còn 18 tàu kể từ ngày 1/2.

Trong khi đó, những lo ngại xung quanh kênh đào Suez cũng vẫn tồn tại khi một số tàu đi qua Biển Đỏ đã bị tấn công trong bối cảnh căng thẳng chiến sự Israel-Hamas.

Như vậy, với biến động của kinh tế toàn cầu, thị trường năng lượng nói chung và LNG nói riêng trên toàn cầu trong năm 2024 vẫn còn nhiều ẩn số. Dù sao, diễn biến thị trường nhiên liệu chiến lược này cũng sẽ tiếp tục tác động lớn tới đời sống người dân và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật