Chứng khoán đã phục hồi, vẫn nên cẩn trọng với những “cơn gió ngược”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên cạnh những cải thiện gần đây, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với những ’cơn gió ngược’ bên ngoài như lãi suất toàn cầu neo ở mức cao và tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Chứng khoán đã phục hồi, vẫn nên cẩn trọng với những “cơn gió ngược”
Ảnh minh họa.

Chứng khoán Mirae as‌set vừa có báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán với chủ đề "Vượt qua các rào cản".

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm

Bán lẻ cải thiện nhờ 1) Lãi suất giảm và tăng trưởng kinh tế giữ đà tăng trưởng; 2) Giảm thuế GTGT 2% xuống 8% tới giữa năm 2024; 3) Du lịch duy trì hồi phục, nhờ vào mùa cao điểm du lịch trong các dịp lễ Tết sắp tới và thực hiện cấp thị thực điện tử, thời hạn thị thực điện tử được nâng lên 90 ngày kể từ giữa tháng 8/2023.

Sản xuất công nghiệp kỳ vọng duy trì đà phục hồi, nhờ xuất khẩu cải thiện ở một số đối tác chính của Việt Nam và nhập khẩu tư liệu sản xuất đang thu hẹp mức giảm.

Xuất khẩu kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng dương trong các tháng tới, trong bối cảnh nhu cầu của một số thị trường xuất khẩu dần khả quan hơn trong các tháng cuối năm và lượng hàng tồn kho của Mỹ đã giảm từ mức đỉnh.

Đồng thời, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Theo Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, dự kiến có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài thuộc diện chịu thuế với khoản thuế thu bổ sung khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao.

Từ đó, cơ hội thu hút đầu tư FDI từ các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (chiếm 2,6% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực) và Nhật Bản (chiếm 15,7% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực). Động lực dài hạn: 1) đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; 2) các chính sách hỗ trợ và cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Đầu tư công dự kiến sẽ là động lực chính để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác còn đang chậm. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với mức bội chi dự toán là 399.400 tỷ đồng (~3,6% GDP).

Lạm phát kỳ vọng duy trì dưới mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ trong năm 2023. Trong thời gian tới, lạm phát tiếp tục chịu áp lực bởi: 2) Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm; 2) Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành kể từ ngày 9/11/2023, theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN. Theo số liệu đánh giá của Tổng Cục Thống kê, việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2023 chỉ tăng khoảng 0,035%. Tuy nhiên, điểm tích cực là lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát.

Mirae as‌set giữ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 12% so cùng kỳ. Nhìn chung, các động lực tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2023 vẫn không thay đổi, bao gồm: 1) Lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa, trên cơ sở lãi suất huy động đã giảm thêm; 2) Yếu tố mùa vụ, với chi tiêu tiêu dùng và đầu tư công thường tăng tốc trong quý 4; 3) Xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc.

Về tỷ giá, với triển vọng Fed cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024, cùng với sự sụt giảm mạnh của chỉ số DXY trong tháng 11 (-3% so tháng trước), áp lực lên tỷ giá USD/VND đã giảm. Trước đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh có nhiều bất ổn từ 2020 đến nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, qua đó giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể chủ động quản lý được rủi ro lạm phát và tỷ giá. Dự trữ ngoại hối cuối tháng 8 là 87,7 tỷ USD (+461 triệu USD so với tháng trước; +3 tỷ USD so với đầu năm), tương đương với 3 tháng nhập khẩu.

Mirae as‌set tin rằng dự trữ ngoại hối sẽ tăng trong thời gian tới nhờ thặng dư thương mại (2022: 12,14 tỷ USD; 11T2023: 25,83 tỷ USD), giải ngân FDI ổn định (2022: 22,4 tỷ USD; 11T2023: 20,25 tỷ USD), cũng như cũng như lượng kiều hối dồi dào (2022: 13,15 tỷ USD). Với kỳ vọng này, Mirae as‌set cũng kỳ vọng chênh lệch tỷ giá qua đêm giữa USD và VND sẽ được thu hẹp, giúp giảm bớt áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, những thay đổi trong các luật sửa đổi được thông qua tại kỳ họp lần 6, Quốc hội khóa XV kỳ vọng hỗ trợ sự phát triển thị trường bất động sản như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Phục hồi từ mức định giá thấp

Sau khi mặt bằng định giá được thiết lập lại vào cuối tháng 10 (cụ thể, P/E của VN-Index điều chỉnh về mức 13,4x vào ngày 30/10 từ mức đỉnh 17,3x vào ngày 7/9), thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại trong tháng 11 đẩy P/E của VN-Index tăng lên mức 14,5 lần vào cuối tháng 11.

Theo Mirae as‌set, các động lực chính thúc đẩy thị trường trong tháng 11 bao gồm:

1) Sau dữ liệu lạm phát Mỹ thấp hơn thị trường kỳ vọng được công bố, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu lạc quan hơn với kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm 2024 so với kịch bản cơ sở là cắt giảm 50 điểm cơ bản. Nhờ đó, cả chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt. Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, đường cong lợi suất trong tháng 11 đang di chuyển theo mẫu hình “bull flattening”, cụ thể lợi suất dài hạn đang giảm nhanh hơn lợi suất ngắn hạn. Đáng chú ý, với mẫu hình đường cong lợi suất này, nhóm cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là ngành Công nghệ, thường sẽ có suất sinh lời tốt.

2) Các ngân hàng Việt Nam tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp.

3) Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1/1/2025) vào cuối tháng 11, dự kiến sẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung.

Nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng cao vào việc triển khai hệ thống KRX trong những tháng tới, cũng như triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bên cạnh những cải thiện gần đây, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với những “cơn gió ngược” bên ngoài, bao gồm: 1) Lãi suất toàn cầu neo ở mức cao trong thời gian dài và ảnh hưởng của nó đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sức mua của người dân; 2) Tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật