Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội vừa tổ chức giao ban với các quận, huyện, thị xã nhằm tập trung triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP dịp cuối năm 2023 và dịp Tết, lễ hội đầu năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, thành phố đã duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% các phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP.
Thành phố cũng đã duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Đến nay có 65.371 bữa cỗ được giám sát, tư vấn.
Đặc biệt, Hà Nội đã duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể (BATT) trường học tại 20 bếp ăn tập thể trường học ở 10 quận, huyện. Tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát ATTP BATT trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế với tổng số 215 trường. Đồng thời, đánh giá thực trạng ATTP tại 39 BATT trong khu công nghiệp…
Để đảm bảo ATTP dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, tập trung vào phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…
Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, đảm bảo ATTP dịp cuối năm
Chỉ đạo về công tác này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố nhấn mạnh, vào dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, lễ hội, tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm gia tăng, công tác đảm bảo ATTP sẽ phức tạp hơn.
Nếu không có biện pháp kiểm soát các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng ăn uống sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, ý thức của người dân còn nhiều hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ thống nhất ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội đầu năm 2024 (kéo dài 3 tháng), cao điểm từ 15-12-2023 đến Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024.
Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo công tác ATTP các cấp của thành phố rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực trọng tâm để triển khai hiệu quả nhất.
“Các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng thắng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Tương tự, các quận huyện cũng cần làm như vậy. Các đơn vị, địa phương tăng cường tập huấn công tác ATTP, phải công khai các đợt kiểm tra, nội dung kiểm tra” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh về ATTP của người dân; công khai đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Các Sở ngành, đơn vị liên quan cũng phải có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh về lĩnh vực này.