Ngày 28-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu chỉ trích mạnh mẽ Israel tại một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Động thái của ông Erdogan khiến Israel rút các nhà ngoại giao nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước, theo hãng tin Reuters.
Phát biểu trước hơn 1 triệu người biểu tình đang vẫy cờ Palestine, ông Erdogan cáo buộc chính phủ Israel hành xử như “tội phạm chiến tranh” và cố gắng “diệt chủng” người Palestine.
“Israel đã công khai phạm tội ác chiến tranh trong 22 ngày qua, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây thậm chí không thể kêu gọi Israel ngừng bắn chứ đừng nói đến phản ứng với điều đó” - ông Erdogan nói, lưu ý rằng ông “đang chuẩn bị” cho cả thế giới thấy rằng “Israel là tội phạm chiến tranh”.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi các cường quốc phương Tây là “thủ phạm chính” đằng sau vụ “thảm sát” người Palestine ở Gaza, cho rằng phương Tây “rơi nước mắt” trước cái chết của dân thường ở Ukraine nhưng làm ngơ trước cái chết của dân thường ở Gaza.
“Tất nhiên, mọi quốc gia đều có quyền tự vệ. Nhưng công lý ở đâu trong trường hợp này? Không có công lý - chỉ là một vụ thảm sát tàn khốc xảy ra ở Dải Gaza” - ông Erdogan nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu kéo dài một giờ, ông Erdogan cũng lặp lại khẳng định rằng phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) không phải là một tổ chức khủng bố, đồng thời mô tả Israel là bên chiếm đóng.
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Israel thông báo đang rút các nhà ngoại giao Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước để “đánh giá lại mối quan hệ” với Ankara.
Ngoại trưởng Israel Eli Cohen viết trên X (tên gọi mới của Twitter): “Trước những lời lẽ leo thang từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã chỉ thị cho các đại diện ngoại giao đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước để đánh giá lại mối quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ”.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đồng ý tái bổ nhiệm các đại sứ vào năm ngoái.
Theo Reuters, quyết định của Israel đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực non trẻ nhằm khôi phục quan hệ chính trị-kinh tế giữa Israel (quốc gia Do Thái giáo) và Thổ Nhĩ Kỳ (nước có đa số người theo Hồi giáo) sau một thập niên quan hệ gần như đóng băng.