Một "cờ-líp" vừa được đưa lên đã thu hút hàng ngàn lượt "lai", chia sẻ, bình luận. Trong "cờ-líp" là cảnh người đàn ông đứng tuổi có cử chỉ âu yếm một bé gái chừng sáu - bảy tuổi tại vườn hoa dưới sân chơi tòa nhà.
"Cờ-líp" được quay từ ban công một căn hộ, với khoảng cách khá xa nhưng Hoàng nhận ra ngay người đàn ông đó là bố mình. Từ lúc nhận được cuộc điện thoại của Tường Vy báo tin, Hoàng đã bủn rủn chân tay và cầu mong những điều vợ nói chỉ là sự nhầm lẫn nhưng giờ thì đích xác rồi, thật xấu hổ.
Khoác vội chiếc áo vest lên người, Hoàng phóng xe máy như bay từ cơ quan về căn hộ. Nhìn thấy bố, Hoàng quăng chiếc điện thoại đã mở sẵn đoạn "cờ-líp" lên bàn nước chỗ ông ngồi rồi nói lớn:
- Bố làm chuyện gì vậy? Cả chung cư họ đang đồn ầm lên kia kìa.
Ông Sang ngơ ngác trước thái độ hỗn xược của Hoàng. Từ trước tới nay, Hoàng chưa bao giờ cãi lại bố chứ chưa nói gì đến thái độ như vậy.
Hoàng mồ côi mẹ từ năm lên 10 tuổi. Lúc ấy, ông Sang đang là bộ đội tình nguyện chiến đấu tại Campuchia. Hoàng được bà nội đón về quê nuôi. Sau khi nước bạn được giải phóng, đơn vị ông Sang rút quân về nước. Ông xin chuyển về ban chỉ huy quân sự thành phố để có điều kiện nuôi dạy con.
Ngày bố về quê đón Hoàng lên ở cùng, bà nội liên hồi thúc giục con trai lấy vợ. Bà lo cảnh "gà trống nuôi con" sẽ khiến hai bố con vất vả. Hoàng giận bà, không muốn một người phụ nữ khác thay mẹ nó xen vào cuộc sống của hai bố con.
Có lẽ cũng vì muốn dành hết tình thương cho con trai, ông Sang bỏ qua những mai mối, ở vậy nuôi Hoàng ăn học, trưởng thành. Lúc Hoàng lấy vợ cũng là thời điểm ông cầm sổ hưu. Căn hộ tập thể được đơn vị phân, ông nghe theo lời Hoàng bán đi, dồn tiền mua căn hộ chung cư cho rộng rãi hơn.
Tiếng chuông kêu bính bong liên hồi. Hoàng ra mở cửa, thấy một đám đông tụ tập trước căn hộ. Một thanh niên đang liến thoắng, giơ chiếc điện thoại ghi hình phát trực tiếp. Một phụ nữ khác có vẻ đang bị kích động:
- Ông Sang có nhà không? Mở cửa ra cho công an vào làm việc...
Tiếng xì xào như những mũi kim châm vào da thịt Hoàng: "Ông già dê", "Trông mặt mũi thế mà khốn nạn", "bệnh hoạn hết mức"... Hoàng không thể nghe thêm được nữa. Anh mời người phụ nữ được giới thiệu là "mẹ nạn nhân" và hai công an viên bước vào căn hộ rồi đóng sầm cửa lại.
Vừa nhìn thấy bố Hoàng, người phụ nữ đã xỉa xói, như chực xông vào cấu xé ông Sang. Công an phải nhiều lần yêu cầu người phụ nữ giữ bình tĩnh để làm việc.
"Ông có phải là người đàn ông trong "cờ-líp" này?". Ông Sang gật đầu. "Tại sao ông lại có cử chỉ âu yếm khi giữa ông và gia đình cháu bé không có mối quan hệ thân thiết gì?". "Có phải ông cho quà để tiếp cận cháu bé?". "Ông có cử chỉ như vậy với cháu bé từ bao giờ?". Công an vừa ghi chép vừa liên tục đưa ra những câu hỏi nhưng ông Sang chỉ im lặng.
Kết thúc buổi làm việc, công an đưa tờ biên bản cho ông Sang ký và ra về. Trước khi rời đi, anh công an nói với Hoàng: "Chúng tôi cần thêm thời gian để xác minh trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Đề nghị anh cam kết không để ông Sang rời khỏi nơi cư trú...".
"Tại sao bố im lặng? Tại sao bố không thanh minh hay giải thích gì? Sự việc đã quá rõ ràng phải không?". Ông Sang không trả lời câu hỏi của Hoàng. Ông nhìn con rồi lắc đầu bỏ vào trong phòng, đóng cửa lại.
Hoàng chán chường đổ sầm xuống chiếc ghế sô-pha. Một cảm giác vừa thương hại bố vừa ghê tởm đan xen. Thà bố là tên tham nhũng hay bất cứ loại tội phạm nào khác còn đỡ nhục nhã hơn một kẻ ấu dâm!
- Bố đâu? Sao anh ngồi ủ rũ ở đây? Phải làm gì để cứu bố chứ!
Tường Vy về từ lúc nào mà Hoàng không hay.
- Làm gì? Anh phải làm gì bây giờ, khi chính ông ý đã thừa nhận là người đàn ông trong cái "cờ-líp" đó? Bây giờ, anh còn không muốn ló mặt ra khỏi căn hộ này nữa!
Hoàng nói trong tiếng nấc, đôi mắt đỏ hoe. Tường Vy thoáng ngạc nhiên khi lần đầu tiên nghe chồng dám gọi bố bằng "ông".
- Dù bố có thế nào thì cũng là bố của chúng ta. Em đã làm việc với luật sư, người ta cũng đã trao đổi với công an. Cái "cờ-líp" đó quay từ xa nên chưa rõ ràng. Theo quy định của Pháp Luật, nếu cấu thành tội dâm ô với trẻ em thì phải chứng minh bàn tay của bố chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể đứa bé. Em và luật sư đã xem đi xem lại cái "cờ-líp" đó, không quan sát thấy gì, trừ tình huống bố hôn vào trán đứa trẻ...
Nằm trong phòng, ông Sang nghe hết câu chuyện. Đã mấy lần, ông định nhổm dậy bước ra để nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi.
Chưa đầy một tháng kể từ khi xảy ra sự việc, trông ông Sang gầy sọp, bước đi chậm chạp, run rẩy. Cả ngày, ông ở miết trong phòng, chẳng nói năng gì. Đến bữa, Tường Vy phải mang cơm vào phòng, đặt trước giường ngủ nhưng ông đâu có nuốt được.
Đây là lần thứ hai, ông Sang bị cú sốc tâm lý lớn như vậy. Lần thứ nhất là khi Tâm Nhi, con gái đầu lòng của vợ chồng Hoàng, bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Ông bỏ ăn uống mất mấy ngày vì thương cháu.
Sau hai năm Tâm Nhi nằm viện, chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo, sức khỏe ngày một yếu đi, cháu lịm dần, tiên lượng khó qua khỏi. Tường Vy gào thét, khóc ngất lên ngất xuống. Hoàng nước mắt đầm đìa, ngồi ủ rũ trước cửa phòng bệnh như người vô hồn.
Chỉ có ông Sang là không khóc, hay nói khác đi, ông đã "nuốt nước mắt vào trong". Ai cũng tưởng, người lính từng đứng giữa lằn ranh sinh tử; từng chứng kiến đồng đội hy sinh trong những trận đánh ác liệt thì sẽ chai sạn, bình thản trước sự ra đi của đứa cháu nội. Đâu phải vậy! Con người dù sắt đá cũng có những giây phút yếu lòng, chỉ khác là cách bộc lộ không giống nhau.
Tâm Nhi với ông vừa là đứa cháu mà ông hết mực yêu thương vừa là người bạn mà ông tâm tình, trò chuyện ríu rít mỗi buổi đón từ trường tiểu học trở về. Ở cái chung cư này, nhà nào biết nhà đó, cánh cửa mỗi căn hộ cứ đóng miết, có khi ở chung tầng mà chẳng biết mặt nhau. Vợ chồng Hoàng thì đi vắng cả ngày, ông luôn cảm thấy cô đơn trong bốn bức tường. Ông chỉ thực sự vui khi Tâm Nhi ở nhà.
cơ thể Tâm Nhi lạnh dần, ông Sang vuốt gọn những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán thanh cao của cháu, rồi nhẹ nhàng đặt lên đó một nụ hôn. Tâm Nhi của ông không chết, thiên thần của ông đang ngủ. Ông ngắm cháu mà không biết chán. Chỉ đến khi nhân viên bệnh viện đến đưa Tâm Nhi vào buồng lạnh, ông mới bừng tỉnh đối diện với thực tại.
Một năm sau cái chết của Tâm Nhi, ông Sang dần dà nguôi ngoai. Ông không còn ở miết trong phòng nữa. Sáng sớm và chiều muộn, ông xuống vườn hoa tòa nhà ngồi nhìn lũ trẻ con chơi đùa. Tâm lý, sức khỏe ông tiến triển rất nhiều thì lại xảy ra sự việc này.
***
"Bố làm sao thế này?". Tường Vy hoảng hốt gọi Hoàng. Tiếng xe cứu thương hú còi inh ỏi, đỗ xịch trước sảnh chính chung cư Bình Yên. Một tốp nhân viên y tế đẩy cáng vào thang máy bấm lên tầng có căn hộ của Hoàng.
Sau những động tác sơ cứu ban đầu, bác sĩ trưởng nhóm cấp cứu tiêm cho ông Sang một mũi trợ tim rồi vội vã bê ông qua cáng chuyên dùng. Không ai để ý đến một cuốn sổ tay màu đen, để dưới gối nơi ông nằm bị văng xuống nền nhà. Hoàng cúi nhặt cuốn sổ tay, rồi chạy theo chiếc cáng cứu thương đang di chuyển rất nhanh ra thang máy. Chiếc xe cấp cứu lại hú còi inh ỏi lao nhanh như lúc đến.
Ông Sang được đưa ngay vào phòng hồi sức tích cực của bệnh viện. Theo quy định, phòng cấp cứu không cho người nhà bệnh nhân vào chăm sóc. Bác sĩ trưởng nhóm cấp cứu sau khi làm thủ tục bàn giao cho ca trực, bước ra nhìn Hoàng từ đầu đến chân, ánh mắt đầy vẻ trách móc: "bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, cơ thể suy nhược kéo dài dẫn tới ngất xỉu, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng. Gia đình nên quan tâm tới người thân nhiều hơn".
Lời nói như gáo nước lạnh hất vào mặt Hoàng khiến anh bừng tỉnh. Hoàng thấy thương bố. Anh hối hận về thái độ lạnh nhạt của mình suốt thời gian qua. Anh chợt nhớ tới cuốn sổ tay đang cầm. À phải rồi, hồi ở chiến trường K, bố cũng hay có thói quen viết nhật ký. Hoàng lật giở từng trang chữ quen thuộc.
... Ngày 10 tháng 5: Hôm nay ông nhìn thấy Tâm Nhi dưới vườn hoa chung cư. Đúng là Tâm Nhi rồi, ông làm sao nhầm lẫn được dáng hình, khuôn mặt của cháu. Ông định tới gần thì cháu lại chạy biến đi đâu mất...
Ngày 11 tháng 5: Ông đợi cháu từ sớm ở vườn hoa, chẳng thấy cháu đâu. Chắc là đi học. Chiều ông sẽ tới trường đón cháu.
Ngày 14 tháng 5: Hôm nay ông gặp được cháu rồi. Mới có một năm mà Tâm Nhi không nhận ra ông nữa... Buồn quá!
Ngày 17 tháng 5: Ông tìm mua được bé búp bê giống hệt búp bê mà ngày trước cháu thích. Ngồi đợi cả buổi chẳng thấy Tâm Nhi đâu. Mai ông mang búp bê cho cháu nhé.
Ngày 18 tháng 5: Thấy cháu vui, ông rất hạnh phúc. Đúng con búp bê ngày trước mà cháu thích phải không?
Ngày 20 tháng 5: Một cái hôn của ông lên trán cháu, một cử chỉ yêu thương, nhưng sao mọi người phản ứng gay gắt vậy?
Ngày 24 tháng 5: Ai cũng nghĩ ông là người xấu, ngay cả bố cháu cũng vậy. Con người bị mất lòng tin là mất tất cả. Cuộc sống này thật đáng sợ. Ông đang đếm ngược từng ngày để đoàn tụ với Tâm Nhi...
Hoàng luống cuống lục chiếc điện thoại trong túi quần, bấm vào nhóm "Cộng đồng dân cư tòa nhà Bình An" để lần tìm "phây-búc" của mẹ bé gái. Đây rồi! Đứa bé "nạn nhân" đây. Sao bé giống Tâm Nhi đến thế?
Hoàng đã hiểu nguồn cơn dẫn đến hành động của bố. Anh ngồi phệt xuống nền hành lang bệnh viện, đầu gục xuống đầu gối, hai vai run lên bần bật: "Tại sao con lại đánh mất lòng tin với bố? Tại sao con là con của bố mà không hiểu bố mình? Chính con mới là kẻ bệnh hoạn khi nghĩ về bố như vậy! Bố ơi, bố đừng bỏ con mà đi bố nhé...!".
Hoàng cứ ngồi tự dằn vặt mình như thế cho đến khi có một bàn tay mềm mại đặt lên vai. "Bố sẽ không sao đâu anh. Em đã minh oan cho bố rồi. Cái "cờ-líp" đó cũng đã được gỡ xuống. Mẹ đứa bé nói, khi nào bố khỏe, chị ấy sẽ dẫn cháu đến thăm để xin lỗi bố...".
Hoàng đưa tay lên vai nắm chặt bàn tay của vợ. Anh ngước nhìn Tường Vy với ánh mắt biểu lộ lòng biết ơn!