Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo thông tư về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở thay thế cho Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT.
Nếu được thông qua, dự thảo này dự kiến sẽ áp dụng từ năm học 2024 - 2025, là năm tốt nghiệp của các học sinh trung học cơ sở đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Theo dự thảo, có 2 điểm khác biệt so với quy chế hiện hành. Thứ nhất là bỏ điều khoản về xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình của học sinh. Đồng thời tăng số lần xét tốt nghiệp lên thành không quá 2 lần/năm thay vì một lần như trước đây. Dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đến hết ngày 2/12/2023.
Bỏ xếp loại tốt nghiệp không ảnh hưởng tới đánh giá học sinh
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Như Học - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Phòng đang tiến hành nghiên cứu và lấy ý kiến của các thầy cô giáo cấp trung học cơ sở trên địa bàn.
Ông Học cũng nhận định dự thảo mới thể hiện sự linh hoạt phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.
“Theo tôi việc bỏ xếp loại trên bằng không ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh bởi vì học lực trong năm học của học sinh đã thể hiện điều đó. Còn việc xét tốt nghiệp là căn cứ để các em thi lên trung học phổ thông. Bạn nào có học lực tốt thì sẽ thể hiện rõ trong kết quả thi”, ông Học nhận định.
Cũng cùng quan điểm này, cô Phạm Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tuyết Nghĩa (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng học lực của học sinh được thể hiện rõ trong học bạ. Vì thế, việc xếp loại giỏi, khá, trung bình trên bằng tốt nghiệp là không cần thiết.
Ngoài ra, nếu xét tốt nghiệp nên căn cứ vào kết quả cả 4 năm học trung học cơ sở thay vì chỉ dựa trên kết quả lớp 9 như hiện nay.
“Về việc bỏ xếp loại tốt nghiệp theo tôi không ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Không nhất thiết phải để xếp loại trên bằng là giỏi, khá, trung bình mà chỉ cần công nhận tốt nghiệp. Bởi thực tế việc phân loại học lực đã được thể hiện rõ trong học bạ của từng em.
Hơn nữa kết quả tốt nghiệp là xét tốt nghiệp chứ không phải thi tốt nghiệp. Công bằng mà nói thì xét công nhận tốt nghiệp cần xét cả 4 năm học chứ không chỉ lấy mỗi kết quả của năm lớp 9. Thông tư hiện hành đang căn cứ vào kết quả học lực và hạnh kiểm của lớp 9 để đánh giá. Theo tôi thực ra nên xét cả quá trình 4 năm học của các em như thế nào thì hợp lý hơn”, cô Hạnh bày tỏ.
Cô Phạm Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tuyết Nghĩa (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Một năm xét tốt nghiệp 2 lần đảm bảo quyền lợi cho người học
Theo Dự thảo thông tư về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở số lần xét tốt nghiệp được quy định không quá 2 lần/năm thay vì một lần như trước đây. Điều đó đã tạo điều kiện cho các học sinh trượt tốt nghiệp lần 1 có thêm cơ hội xét lại trong thời gian ngắn chứ không phải chờ 1 năm như trước đây.
Thầy Chu Đăng Thiện, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Bài B (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho rằng điều đó đảm bảo quyền lợi cho người học. Vì thực tế phải chờ đợi 1 năm sẽ khiến các bạn giảm đi sự hứng thú học tập đồng thời mất đi nhiều cơ hội học lên trung học phổ thông hay học nghề.
“Thông thường việc xét tốt nghiệp sẽ diễn ra trong tháng 5. Nếu học sinh không đạt lần đầu tiên thì có thể làm thêm một đợt xét tốt nghiệp nữa để tạo điều kiện cho các em có động lực cố gắng. Điểm mới trong dự thảo này được các thầy cô cũng như phụ huynh rất ủng hộ.
Với những bạn không đạt về hạnh kiểm, hàng năm nhà trường cũng có kế hoạch, giao nhiệm vụ và bàn giao học sinh về địa phương để các em rèn luyện. Từ đó, trường sẽ theo dõi và có kế hoạch đánh giá lại”, thầy Thiện nhấn mạnh.
Thầy Chu Đăng Thiện, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Bài B (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: website nhà trường
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Như Học cho rằng để các bạn trượt tốt nghiệp lần 1 kịp thi lên lớp 10 thì lần xét tốt nghiệp thứ 2 nên tổ chức sau lần đầu tiên khoảng 1 tháng. Lần thứ nhất nên xét vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 còn lần thứ 2 nên xét vào tháng 7. Ngoài ra các trường cũng cần căn cứ vào thời gian tuyển sinh thực tế ở địa phương.
Đề xuất về quy trình xét tốt nghiệp lần 2, cô Phạm Thị Bích Hạnh cho rằng với học sinh chưa đạt về hạnh kiểm thì có thể xét lại dựa vào việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của học sinh trong thời gian hè, có xác nhận của địa phương gửi về nhà trường.
Còn về học lực sau 3 tháng hè khoảng cuối tháng 8 nhà trường sẽ cho các bạn làm bài kiểm tra lại với số môn học các em tự chọn. Sau khi các bạn đăng ký môn kiểm tra lại, nhà trường sẽ xem xét thành lập một ban ra đề, ban kiểm tra, ban coi thi, ban chấm điểm. Rồi từ kết quả kiểm tra lại sẽ xem xét nếu đủ điều kiện thì cho học sinh được xét tốt nghiệp lại.
Tuy nhiên, theo cô Hạnh dù xét tốt nghiệp lần 2 cũng khó để kịp cho các bạn thi vào lớp 10 vì hồ sơ xét tốt nghiệp và hồ sơ thi lớp 10 hiện nay được làm song song với nhau.
“Thời gian kết thúc xét tốt nghiệp cũng là thời gian kết thúc nhận đơn tuyển sinh vào lớp 10. Thế nên các bạn có được xét tốt nghiệp lại lần 2 cũng phải năm sau mới được thi vào lớp 10.
Nhưng thông thường các em chưa đỗ tốt nghiệp đa số đều không có nguyện vọng thi vào lớp 10 mà các bạn muốn được tốt nghiệp để đi học các Trung tâm giáo dục thường xuyên và đi học nghề. Chính vì thế, khi đủ điều kiện xét tốt nghiệp lần 2 đã giúp các em được tham gia vào học ở trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường học nghề. Điểm mới này đảm bảo quyền lợi rất lớn cho người học”, cô Hạnh khẳng định.
Dự thảo mới cũng nêu rõ mỗi cơ sở giáo dục có người học dự xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở được thành lập một Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của cơ sở giáo dục.